Đánh thức tiềm năng du lịch Cẩm Phả - Quảng Ninh
Thành phố trẻ Cẩm Phả có tổng diện tích tự nhiên là 48.645 ha, trong đó diện tích mặt biển là 150 km2, có Quốc lộ 18A đoạn chạy qua thành phố dài gần 70km, với chiều dài bờ biển dài 73km. Đây là những lợi thế giúp cho Cẩm Phả có thể phát triển thành một trung tâm du lịch biển sầm uất, sôi động với đầy đủ các dịch vụ từ hệ thống khách sạn, nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tới hệ thống các nhà hàng ăn uống, nghỉ dưỡng.
Với tiềm năng lợi thế về truyền thống, văn hoá, lịch sử, cảnh quan như: di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đền Cửa Ông; Cầu Poóc tích 1, trận địa pháo cao xạ - hầm chỉ huy Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông, TP Cẩm Phả còn có hệ thống các công trình tín ngưỡng đình, đền, chùa mang nhiều giá trị lịch sử như: Đình Quang Hanh, Đền Diễn Vọng (phường Quang Hanh), Cụm di tích Đền Vũng Đục (phường Cẩm Đông), Chùa Phả Thiên, chùa Linh Sơn (phường Cẩm Sơn), Đình- Nghè Cẩm Hải (xã Cẩm Hải)...
Bên cạnh đó, nhằm bước đầu quy hoạch và phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thành phố đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các khu khoáng nóng tại Cẩm Thạch, Cẩm Thuỷ, Quang Hanh, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, khép kín. Tại đây, ngoài dịch vụ tắm còn có khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí… nhằm thu hút khách du lịch đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
Nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, đặc biệt là với TP Hạ Long - nơi có Vịnh Hạ Long được hai lần tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và quần thể các hòn đảo huyện Vân Đồn, thành phố đã nghiên cứu lập quy hoạch đầu tư các cảng biển, bến tàu phục vụ tham quan du lịch trên Vịnh Bái Tử Long. Đồng thời phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái… xây dựng và quảng bá các tour, tuyến du lịch biển kết nối từ Hạ Long - Bái Tử Long- Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch tâm linh Đền Cửa Ông.
Một đặc điểm nữa không thể không nhắc đến đó là thành phố đang chú trọng phát triển loại hình du lịch tham quan các di tích ngành than. Để thực hiện điều này, UBND thành phố đã có kế hoạch cụ thể, phối hợp với các doanh nghiệp ngành than tổ chức phát triển loại hình du lịch tham quan các di tích ngành than, tham quan khai thác than (Lò giếng đứng Mông Dương, khai trường than Cọc 6…).
Mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, tuy nhiên trong những năm qua, TP Cẩm Phả vẫn chưa khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng này. Công tác đầu tư vào du lịch vẫn mang tính tự phát và manh mún; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch còn nghèo nàn và lạc hậu. TP Cẩm Phả hiện có trên 100 cơ sở lưu trú, trong đó chỉ có 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao và có khoảng 60 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các tuyến điểm du lịch, bãi tắm nhìn chung còn đơn sơ, dịch vụ du lịch hầu như chưa phát triển.
Đồng chí Vũ Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cẩm Phả cho biết: "Trong những năm gần đây, thành phố đã luôn chú trọng đầu tư phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực trọng tâm ưu tiên của địa phương. Tuy nhiên, Cẩm Phả mới chỉ được biết đến như một thành phố công nghiệp chủ yếu khai thác than, nhiệt điện. Thời gian tới, để phát triển du lịch, thành phố sẽ tiến hành quy hoạch các điểm du lịch như: kết hợp đường bao biển gắn với suối khoáng nóng Quang Hanh, lâu dài hình thành du dịch sinh thái, dưỡng sinh; khuôn viên Bến Gio, Vũng Đục gắn kết với khu công viên văn hoá Cao Sơn; quy hoạch xây dựng đường bao biển để đầu tư xây dựng các bãi tắm biển; xây dựng Khu dịch vụ du lịch và các công trình văn hóa phục vụ cho du lịch...".
Song song với đầu tư hạ tầng du lịch, việc phát triển sản phẩm du lịch và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch cũng được thành phố chú trọng quan tâm. Tài nguyên du lịch Cẩm Phả tương đối phong phú, đa dạng song không nổi trội, do đó cần có sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xây dựng sản phẩm đặc thù. Thành phố đang chú trọng đầu tư xây dựng 2 loại hình du lịch chính, đó là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch tham quan.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực huy động các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó chủ yếu là xây dựng cơ chế ưu đãi trong hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển du lịch; ưu tiên ngân sách cho các dự án phát triển du lịch ở các địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch trong thành phố; xây dựng cơ chế ưu đãi, mời gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch...
Hy vọng với tiềm năng sẵn có và những cơ chế chính sách phù hợp, du lịch Cẩm Phả sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách tại Quảng Ninh./.