Hoạt động của ngành

Những nét khởi sắc trong du lịch liên kết Bến Tre

Cập nhật: 02/04/2014 11:30:59
Số lần đọc: 1801
Bến Tre đang đón nhận nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch về các loại hình du lịch như: sinh thái miệt vườn, du lịch nghỉ dưỡng, homestay và du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch biển.

Những năm gần đây, Bến Tre đã đầu tư phát triển du lịch đúng hướng và đạt được tốc độ tăng trưởng cao, đã có nhiều khởi sắc mới. Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, năm 2012 Bến Tre đón khoảng 693.000 lượt khách du lịch, tăng 13,6% so với năm 2011 (trong đó khách quốc tế tăng 12,5%, khách nội địa tăng 12,5%), với doanh thu du lịch đạt 368 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2011. Riêng trong năm 2013, Bến Tre đón hơn 800.400 lượt khách, tăng 15% so với năm 2012, tổng doanh thu du lịch đạt 459 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012. Mục tiêu năm 2014, Bến Tre đón khoảng 1 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 450.000 lượt khách quốc tế).

 

Từ những con số ấn tượng như vậy, cho thấy du lịch Bến Tre đang ngày càng phát triển với nhiều đột phá mới, phát triển du lịch bền vững.

 

Theo số liệu thống kê năm 2013, tại Bến Tre có tổng số 56 cơ sở lưu trú, tăng 9 cơ sở so với năm 2012, trong đó tăng mạnh ở nhóm khách sạn 3 sao, thể hiện tính chuyên nghiệp, có sự chuyển hóa mạnh mẽ từ số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thông tin,… tất cả đã góp phần cho hạ tầng du lịch tỉnh nhà từng bước hoàn thiện để phục vụ du khách.

 

Với những lợi thế sẵn có, cùng với những định hướng chiến lược phát triển du lịch cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn 2012-2015 với mục tiêu phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20%/năm, lượng khách tăng bình quân 12%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước con người Bến Tre với du khách trong và ngoài nước về một Bến Tre thân thiện và hiếu khách.

 

Từ sự thành công của Festival Dừa Bến Tre lần III năm 2012 với quy mô cấp Quốc gia, và từ đó du lịch Bến Tre đã được du khách trong và ngoài nước biết đến, số lượng du khách đến Bến Tre không ngừng tăng. Cuối năm 2013, Bến Tre đã ký kết hợp tác liên kết phát triển du lịch cụm duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh; Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch bốn tỉnh cũng đã ký liên kết các hoạt động du lịch nhằm phát triển liên kết tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo bước đột phá mới cho du lịch sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; tạo thương hiệu riêng cho du lịch bốn tỉnh “Bốn địa phương một điểm đến” với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn.

 

Du khách đến Bến Tre sẽ tham quan các điểm du lịch ven sông Tiền như thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên miền sông nước; uống trà mật ong; thưởng thức trái cây miệt vườn; nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật vừa mới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đi xe ngựa đường làng; chèo xuồng trong rạch nhỏ với hai bên là hai hàng dừa nước; tham quan các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng (như: Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề sản xuất rượu Phú Lễ, làng nghề đan đát, nghề cây giống - hoa kiểng Cái Mơn, huyện Chợ Lách,…), tất cả đều nổi tiếng trên trăm năm tuổi. Để phối hợp cho hành trình khám phá của du khách trên vùng liên kết của du lịch sông nước miệt vườn, du khách tiếp tục đến Trà Vinh để khám phá văn hóa của người Khơme, và nhiều sản phẩm du lịch độc đáo khác tại Vĩnh Long và Tiền Giang.

 

Điều quan trọng là sự phối hợp giữa các tỉnh trong khu vực và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong và ngoài tỉnh. Những nhà hoạch định chính sách cũng như những nhà làm du lịch các tỉnh đã thấy tầm quan trọng của sự liên kết lại với nhau trong nhiều lĩnh vực, trong đó du lịch là sự cần thiết quan trọng. Sự liên kết sẽ tạo nên các tour, tuyến du lịch phong phú hơn, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới có chất lượng hơn, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, phát huy được thế mạnh du lịch của từng địa phương.

 

Nếu như Tiền Giang có thế mạnh du lịch với chợ nổi Cái Bè, trại rắn Đồng Tâm, những sản vật trái cây nổi tiếng như sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo,…; Vĩnh Long với du lịch homestay, nhiều điểm du lịch sinh thái như Trường An, Vinh Sang, cù lao An Bình,…, với những sản vật nổi tiếng là bưởi Năm Roi,… thì Bến Tre với du lịch chuyên đề dừa với các sản phẩm từ dừa; ẩm thực dừa với các món ăn ngon: tép rang dừa, cơm dừa, gỏi củ hủ dừa, nấm mối,… và những làng nghề truyền thống, cùng nhiều di tích cấp quốc gia và các sản vật nổi tiếng như bưởi da xanh, sầu riêng Cái Mơn, nghêu Thạnh Phú…

 

Hiện tại Bến Tre khai thác những tiềm năng du lịch trên các loại hình, nhất là du lịch sinh thái và du lịch biển, đẩy mạnh liên kết với các tỉnh thành trong khu vực nhằm nâng cao sản phẩm du lịch, phát triển tour du lịch liên tỉnh, liên vùng, mời gọi các nhà đầu tư du lịch tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú 3 đến 5 sao phục vụ du khách, đáp ứng được nhu cầu về việc không trùng lấp sản phẩm trong khu vực; đầu tư phát triển nhiều loại hình du lịch thế mạnh của từng tỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch chuyên nghiệp./. 

Nguồn: bentre.gov.vn

Cùng chuyên mục