Non nước Việt Nam

Cỗ chay Hà Nội - Nét văn hoá tâm linh người Việt

Cập nhật: 02/10/2008 16:10:21
Số lần đọc: 2275
Trong thế giới ẩm thực đa dạng của người Việt nói chung và người Hà thành nói riêng, có một thú vui tao nhã đang ngày càng được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và thưởng thức, đó là các món ăn chay.

Khác với những năm trước đây, khi các phật tử chỉ ăn chay trong các dịp Lễ đặc biệt của Phật giáo như Lễ Thượng Nguyên, Lễ Phật đản hay Lễ Vu lan... ngày nay, nhiều thực khách tìm đến cỗ chay, cơm chay và yêu thích các món chay trong rất nhiều dịp khác và coi đó như một nét văn hóa, một cách hướng tới sự tinh tế không chỉ trong ẩm thực mà còn là cả sự thanh tịnh, an bình trong tâm hồn.

Theo các nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ trước công nguyên, các món ăn chay Việt Nam cũng bắt đầu có từ thời đó. Theo quan niệm Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng pháp thiện, phát triển tình thương rộng lớn đối với con người và vạn vật, bởi thế, ăn chay cũng là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống. Qua thời gian, ăn chay ngày nay đã trở thành một nét văn hóa của nhiều vùng miền, trong đó có Hà Nội. Các món chay cũng ngày càng được tìm tòi để hướng tới cách chế biến công phu, ngon và đẹp mắt, khiến người thưởng thức luôn tìm thấy những cảm giác thú vị.

Nguyên liệu để làm các món chay tất cả đều từ các sản vật tự nhiên, sẵn có của mỗi vùng miền, nó đơn giản chỉ là rau trái trong vườn, dễ kiếm và rẻ tiền, ngoài ra, không thể thiếu các thứ đồ khô như các loại nấm, mộc nhĩ, măng rừng... Nhìn mâm cỗ chay thịnh soạn với đủ các món nem, giò chả, tôm bao bột, cá thu sốt, không ít thực khách ngỡ ngàng khi biết tất cả chỉ được chế biến từ phù trúc, đậu phụ, đậu xanh, nấm hương. Cỗ chay tùy loại có thể có từ 10,12 đến 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay, chúng ta dễ dàng nhận ra sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành: màu đỏ của cà rốt là hành Hỏa, màu xanh của bí, mướp đắng là hành Mộc, màu đen của nấm hương, mộc nhĩ - ấy là hành Thổ, hạt sen tượng trưng cho hành Thủy và màu vàng của phù trúc là hành Kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Cỗ chay quan trọng nhất là cách chế biến. Tuy là cỗ giả mặn, nhưng nhìn mâm cỗ chay, chúng ta cũng thấy rõ nghệ thuật của người nấu và bày cỗ. Thực khách tìm đến các ngôi chùa nổi tiếng hay quán cơm chay để thưởng thức không gian văn hoá ẩm thực tĩnh lặng và những món ăn có hương vị lạ miệng, không lẫn với bất kỳ món ăn "trần tục" nào khác, mặc dù vẫn được gọi với những cái tên tương tự. Không chỉ đơn thuần là văn hóa ẩm thực, cỗ chay còn bao hàm cả giá trị của văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

 

Nguồn: VTV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT