Khăn "Khanh ma om": Vật bất lý thân của phụ nữ An Giang
Khăn "Khanh ma om" (còn gọi là khăn Ma-tơ-ra) của phụ nữ Chăm An Giang xuất phát từ các dân tộc theo đạo Hồi, nguyên mẫu là chiếc khăn hình vuông và dần dần biến tấu cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của các thời kỳ. Chiếc khăn "Khanh ma om" có chiều dài khoảng 1,5 – 1,6 m, chiều ngang 50 cm, thường được làm bằng voan, ren hoặc bất cứ loại vải gì. Khác với những người đạo Hồi Ả rập chuộng hai màu đen trắng, chiếc khăn của phụ nữ Chăm có đủ màu sắc, điểm xuyết bằng các hoa văn hình con sò, bông hoa… bằng chỉ thêu màu, kim tuyến hay cườm dọc theo mép khăn.
Khăn "Khanh ma om" không chỉ để che nắng, mà đủ dài để quàng quanh cổ và vắt qua vai, vừa có thể che tóc, che cổ và một phần trước ngực, hầu như để tránh đi ánh mắt tò mò của những người khác giới.
Khi ở nhà, người phụ nữ Chăm thường đội những chiếc khăn đơn giản, ít màu sắc. Nhưng khi đi dự tiệc hay đám cưới, họ thường mang những chiếc khăn có màu sáng lộng lẫy.
Khăn "Khanh ma om" là vật bất ly thân của phụ nữ Chăm An Giang; bất cứ ở đâu làm gì người phụ nữ cũng không bỏ chiếc khăn ấy ra được, trừ lúc ngủ; họ rất yêu và tự hào với chiếc khăn truyền thống của mình.
Nguồn: website Cinet