Nghề thêu thổ cẩm ở Tả Phìn (Lào Cai
Với mục tiêu duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, đồng thời tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ngay từ năm 1999, Hội Phụ nữ huyện Sa Pa đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề thổ cẩm tại xã Tả Phìn.
Tham gia dự án có nhiều chuyên gia nghiên cứu, các cơ quan trong và ngoài nước giúp đỡ về chuyên môn, kinh phí, đặc biệt dự án có sự tài trợ của nước Bỉ. Ban đầu, mục tiêu của dự án là thành lập một câu lạc bộ thổ cẩm tại Hà Nội.
Sau một thời gian hoạt động, nhận thấy hiệu quả không cao, câu lạc bộ đã được chuyển lên xã Tả Phìn với số lượng chị em tham gia ban đầu là 30 người, trong đó có 16 người thuộc dân tộc Mông, 14 người thuộc dân tộc Dao.
Các năm tiếp đó, Tổ chức SIDA (Thụy Ðiển) tiếp tục tài trợ, mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật dệt may, cung cấp các mẫu hoa văn, mẫu sản phẩm mới cho chị em trong câu lạc bộ, nhờ đó trình độ dệt may của các thành viên tiến bộ nhanh, các sản phẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, được tiêu thụ không chỉ tại địa phương và các vùng khác trong nước mà đã được xuất khẩu sang các nước Ý, Pháp, Mỹ qua một số đại lý trung gian tại Hà Nội, được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Theo bà Lý Mẩy Chạn, Phó Chủ tịch HÐND xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm, thì thời gian gần đây, số lượng mặt hàng bán ra là hơn 5.000 loại sản phẩm, trong đó 70% xuất khẩu. Mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất là các loại áo, túi, đạt giá trị gần 90 triệu đồng.
Với số lượng chị em tham gia Câu lạc bộ hiện nay là gần 300 người, thu nhập hàng tháng đã bước đầu giúp các thành viên trong Câu lạc bộ tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống. Ðồng thời, sự phát triển nghề thổ cẩm truyền thống còn góp phần quan trọng vào việc bình đẳng giới, từ đó vai trò và vị trí xã hội của người phụ nữ được nâng cao, đặc biệt là phụ nữ Mông.
Nhờ sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của các sản phẩm thổ cẩm, ngày càng nhiều du khách thập phương biết đến mảnh đất và con người Lào Cai, đặc biệt khách nước ngoài, ngành du lịch theo đó cũng phát triển ngày càng mạnh.
Thông thường, với những người thợ thủ công, để thêu được một sản phẩm cần có khung thêu, nhưng với những người phụ nữ Mông, Dao chỉ với đôi bàn tay và cây kim sợi chỉ các bà, các chị đã có thể tạo ra những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc mầu với những họa tiết trong sáng, gần gũi với thiên nhiên, đời sống con người bản địa, đó là hoa lá, chim muông, cỏ cây, trời mây.
Ðối với người phụ nữ dân tộc Mông, Dao, việc thêu đồ thổ cẩm dùng trong sinh hoạt hằng ngày là công việc không thể thiếu, nếu người phụ nữ không biết dệt vải, thêu thùa cũng có nghĩa cả gia đình sẽ không có quần áo để mặc. Ðó là các kỹ năng rất quý giá và đã có cội rễ sâu xa qua quá trình phát triển, đã trở thành một nghề truyền thống.
Các bé gái được làm quen với nghề thêu trước khi đến trường học chữ, do đó khi còn học phổ thông, các em đã được các mẹ các chị dạy cho cách thêu, cách chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy mầu cũng như kỹ thuật pha mầu, phối mầu sao cho đẹp, cho vừa mắt mọi người. Sản phẩm thêu cũng là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù của người phụ nữ đảm đang.
Ðể có được những sản phẩm thêu đẹp, trước hết phải tìm mua sợi tơ tằm. Khi đã có sợi, sẽ tiến hành công đoạn nhuộm mầu, phối mầu, việc này đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Bằng các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như lá trầu, củ nghệ, lá cơm xôi, cỏ phạy... qua bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ đã cho ra đời nhiều mẫu mã, sản phẩm đẹp với mầu sắc hài hòa.
Ðể nghề thêu thổ cẩm truyền thống ngày càng được phổ biến rộng rãi trong người dân, đưa sản phẩm thổ cẩm trở thành thương hiệu của riêng Sa Pa, theo bà Lý Mẩy Chạn, trong thời gian tới Câu lạc bộ sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về kinh nghiệm, vốn để mở rộng quy mô Câu lạc bộ, thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ xã cùng với Câu lạc bộ tiếp tục mở các lớp tập huấn, trang bị cho chị em kiến thức về may, thêu, kỹ thuật phối mầu và chọn mầu đồng thời cung cấp cho họ các mẫu mã mới theo đơn đặt hàng của khách.