Điệu trống quân cổ làng Điếu Ngao (Quảng Trị)
Mở đầu bằng giá 1, giá 3, giá 7, điệu trống quân là tiếng trống tập hợp quân sĩ chuẩn bị ra trận, là lời hiệu triệu các vị tướng lĩnh và binh sĩ cùng xuất trận, là lời mời gọi các vị thần về tế lễ non sông cùng con cháu. Điệu trống giòn giã, vang từng tiếng rõ ràng, dứt khoát, là tiếng gọi hối thúc những con tim yêu nước lên đường.
Sau đó là khúc quân đại, quân tiểu thúc quân ra trận với khí thế ngút trời. Bài trống quân trở nên giục giã, dồn dập hơn bao giờ hết. Âm hưởng như sóng dội gió gào. Và kết thúc điệu trống quân là khúc mở cờ. Đây là lời báo công chiến thắng. Điệu trống chuyển sang tưng bừng, diễn tả niềm vui thắng trận. Song song với tiếng trống giòn giã là tiếng kèn thổi điệu thái bình - niềm mong ước của người dân muôn đời: được sống trong cảnh thái bình thịnh trị, không có cảnh binh đao.
Tuy nhiên, hiếm hoi lắm bạn mới có cơ hội để nghe được điệu trống quân cổ này. Điệu trống chỉ phục vụ trong các lễ lớn của làng. Dáng người cao gầy, khuôn mặt rắn rỏi và tràn đầy thân thiện, bác Trần Dàn bắt đầu câu chuyện về trống quân: "Tương truyền rằng điệu trống quân cổ ra đời trong chiến trận từ thời Nguyễn. Điệu trống là tiếng xua quân, thúc quân ra trận, cổ vũ quân sĩ chiến đấu mang thắng lợi về cho đất nước". Tuy nhiên, cũng có một số nguồn tài liệu cho rằng điệu trống quân này bắt nguồn từ âm nhạc cung đình Huế.
Dàn trống quân có từ 4 trống trở lên, số trống phải là số chẵn và các trống phải đều nhau. Biểu diễn kèm với trống quân là 2 kèn thổi điệu thái bình. Nguyên tắc cơ bản của điệu trống là các trống phải đánh cùng một roi, phải đi cùng một nhịp với nhau. "Chỏi (sai, lệch) một roi là một sự nguy hiểm, mạo phạm với thần linh. Sai một người là ảnh hưởng đến cả đội trống. Do vậy đòi hỏi người đánh trống phải hết sức tập trung", bác Dàn nói. Người đánh trống cũng phải có cái tâm trong sáng, có khí chất, tinh thần vững vàng. Khi đánh, tâm phải nhập với trống làm một, không tách rời. Quan trọng hơn cả là người đánh bạt (sập xõa) điều khiển đội trống. Đây phải là người có kinh nghiệm, biết chơi các loại nhạc cụ có trong dàn trống. Trang phục cho người đánh trống cũng được thiết kế riêng, thể hiện sự hùng dũng, oai phong.
Bác Dàn năm nay 63 tuổi, bắt đầu học trống quân từ năm 16 tuổi với người cậu ruột. Một thời gian khá dài để bác thấm hết tinh túy của điệu trống này. Trước khi học trống quân, người học phải trải qua các nhạc cụ khác một cách nhuần nhuyễn. Qua quá trình đó, người thầy sẽ nhận thấy và chọn ra người học trò có tài và tâm để truyền dạy. Người học được lựa chọn chủ yếu từ con cháu trong nhà, một số rất ít khác là học trò từ nơi khác đến. Gia đình có truyền thống 6 đời đánh trống quân nên ngay từ nhỏ bác Dàn đã được lựa chọn để học đánh trống. Dù đi theo cậu trong các lễ tang ma, hiếu hỉ từ năm 16 tuổi nhưng mãi đến gần 10 năm sau bác Dàn mới được học trống.
Đến tuổi tri thiên mệnh, bác Dàn lại trở thành người đào tạo trống quân cho các thế hệ sau. Đến nay, bác có tất cả 15 học trò, nhưng số được đào tạo trống quân rất ít. Trong số 6 người con trai của mình, bác tự hào khi có đến 3 người con theo nghiệp cha. Vậy nên, bác rất tự tin khi nói "không sợ điệu trống thất truyền".
Hiện tại làng Điếu Ngao có 6 người có thể chơi được điệu trống quân này. Phần lớn đều là những người lớn tuổi. Chỉ có 2 anh Trần Xuân Thảo và Nguyễn Văn Sang là tầm 35 tuổi. Đội trống quân của làng Điếu Ngao đã đi biểu diễn ở rất nhiều nơi trong cả nước.