Non nước Việt Nam

Làng nghề dệt chiếu Định An, Đồng Tháp

Cập nhật: 26/09/2008 10:23:35
Số lần đọc: 2198
Chiếu luôn gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam và nước ta có rất nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng, trong đó không thể quên nhắc đến chiếu Định Yên của Đồng Tháp. Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, huyện Lấp Vò còn là nơi có làng nghề dệt chiếu nổi tiếng ở 2 xã Định An - Định Yên, nhất là Định Yên - nơi mà 70% hộ dân theo nghề làm chiếu.

Dệt, đan chiếu thảm từ cây lát là nghề sản xuất thủ công có tiềm năng to lớn ở Đồng Tháp với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào là cây lát. Người dân Định Yên hộ nào cũng có từ 1 - 2 khung dệt trở lên. Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hàng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ.

Đến Định Yên bạn sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím... Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề từ già, trẻ, gái, trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân... để sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt; cùng với đôi tay khéo léo của những người thợ nhuộm màu lát, in hoa văn, vành, viền... Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp...

Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú, gồm: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc... Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất là 2m, còn chiều ngang từ 1,4 - 1,6m; dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/đôi.

Hiện nay, huyện Lấp Vò đã có những dự án thiết thực để hỗ trợ phát triển ngành nghề, xây dựng thương hiệu “chiếu Định Yên”. Làng nghề dệt chiếu Định Yên cũng được quy hoạch trong đề án phát triển dịch vụ du lịch gắn với làng nghề nông thôn của huyện Lấp Vò đến năm 2010. 

Nguồn: website báo Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT