Lễ hội đâm trâu -niềm háo hức của người Cơ Tu (Đà Nẵng)
Bỏ lại sau lưng
Chú trâu khỏe khoắn, nặng hơn 2 tạ, sừng vuông cong vút, được tròng trong cuộn dây mây đan kết chắc nịch. Cột trụ giữa sân sừng sững, được trang trí sắc màu. Bà con thôn bản ngồi trên bậc thang tiền sảnh nhà gươl đang còn thơm mùi gỗ mới. Lễ hội đâm trâu chuẩn bị diễn ra. Người già đăm đăm, đám thanh niên háo hức, lũ gái trai dắt díu thì thầm. Hơn 20 năm rồi, những bậc già làng mới bồi hồi nhìn thấy khung cảnh cũ của buôn làng, còn thế hệ hậu sinh lòng tràn ngập hân hoan...
Làng Cơ Tu hồi trước ở ngay dưới chân đèo Hải Vân. Chiến tranh ập tới đẩy họ ngược theo dòng Cu Đê lên đến thượng nguồn. Tới thôn Tà Lang, họ rẽ theo 2 nhánh, một về sông Nam, một về sông Bắc. Nhánh theo sông Nam dần dần di cư lên dãy Trường Sơn rồi lại tan ra nhiều ngả khác khắp chốn núi rừng Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhánh theo sông Bắc đi khoảng 20 cây số nữa thì dừng lại lập làng. Dân làng gọi là làng Tà Lang trên để phân biệt với Tà Lang dưới hiện nay. Cuộc di dân, lập làng đã làm mai một ít nhiều phong tục, nhưng người dân vẫn giữ được ngày hội lúa mới, trong đó có lễ đâm trâu là không thể thiếu.
Có bận già làng Alăng Nhơi, một thổ dân khá nổi tiếng của cộng đồng Cơ Tu ở thượng nguồn Cu Đê, kể với chúng tôi về nét văn hóa đặc sắc của dân mình. Hồi đó, mỗi mùa lúa mới, dân làng thường tổ chức lễ lớn. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một vài món ngon trong nhà. Sau lễ đâm trâu, họ đưa tất thảy đến nhà gươl góp chung, tổ chức ăn uống linh đình trong suốt một tuần. Nhưng ngày trước, những luật tục khắt khe hơn bây giờ rất nhiều. Trong dịp lễ, không ai được đi khỏi làng, cũng không ai được phép vào làng. Phải đến khi kết thúc lễ hội, ai về nhà nấy thì khách mới có thể đến chơi. Chỉ trừ những năm chiến tranh ác liệt, còn lại năm nào hội cũng diễn ra. Nghèo đói đến mấy, cứ vào quãng tháng giêng, làng cũng gom góp cử người vượt núi mua trâu... Đến ngày nọ dịch bệnh xảy ra, dân làng chết nhiều quá, làng Cơ Tu thêm một lần nữa chuyển đi. Năm 1982, họ về lập làng ở thôn Tà Lang ngày nay. Cuộc di chuyển u buồn đó đã làm “rơi” lại sau lưng nhiều điều quý báu, trong đó có lễ hội đâm trâu. Lũ trẻ lớn lên đã không còn biết đến những lễ hội như thế nữa. Lâu lâu chúng chỉ thấy lại sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mình trên tivi hay lời kể của cha anh mà thôi...
Gìn giữ phong tục tập quán
Trước đây, làng Cơ Tu cũng đã được xây cho một nhà gươl, ngặt một nỗi, mái nhà lại lợp bằng... tôn. Dân làng không chịu, bảo đấy không phải nhà gươl, nên nó được đổi tên thành nhà văn hóa. Sau đó, họ lại được xây thêm một căn nhà nữa, lần này tương đối giống nhà gươl (mái lá, nhưng rường bằng bê-tông). Bà con cũng hiểu không thể tự tiện vào rừng đốn gỗ như trước nữa nên cũng chấp nhận được căn nhà này. Nhưng dường như trong lòng mỗi người Cơ Tu vẫn còn mang trong lòng những hoài niệm với mong muốn được bảo tồn những sắc thái văn hóa của dân tộc mình.
Ngoài lễ hội đâm trâu (dà dá), người Cơ Tu còn biết bao nhiêu phong tục tập quán nữa mà nay chỉ có các bậc già làng mới biết, như lễ hội được mùa Bhuối Aví, lễ hội mừng lúa mới Chaha roo Tơmêê, lễ hội nhà gươl Langtơrí. Những trang phục truyền thống như chiếc khố Cha lon, áo cộc tay A đoót, tấm choàng Aduông, áo dài Cơđơ-ớch... cũng chỉ lâu lâu mới thấy một lần. Nhưng ông Trần Văn Thời (Trưởng bản) vẫn tỏ ra lạc quan: Cái ăn, cái mặc nay đã có, có lẽ rồi cái phong tục, tập quán rồi cũng sẽ có lúc được người ta quan tâm đến. May mắn là các bậc già làng vẫn còn sống để kể lại cho con cháu nghe, bày vẽ cho bọn nó làm.