Non nước Việt Nam

Tưng bừng Lễ hội KaTê của đồng bào Chăm

Cập nhật: 30/09/2008 09:19:49
Số lần đọc: 2065
Hằng năm, vào dịp cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, tức là cuối tháng 6, đầu tháng 7 theo lịch Chăm, đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà-la-môn lại tưng bừng vào lễ hội KaTê. Năm nay, đồng bào Chăm ở Bình Thuận tập trung về tháp Pô Sha Inư ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cùng dự chung lễ hội, trước khi đón KaTê về với các plei (làng) và từng gia đình...

 

 

Múa rước kiệu, y phục
nữ thần Pô Sha Inư lên tháp.

Thu hoạch xong vụ hè thu, hoàn tất xuống giống vụ mùa, hơn một tháng nay, khắp các plei Chăm ở Bình Thuận đã náo nức đón chờ “mùa” KaTê 2008. Đây là lễ hội chính hằng năm của đồng Chăm theo đạo Bà-la-môn và cũng là lễ hội lớn nhất trong số hơn 70 lễ hội của cộng đồng đồng bào Chăm. Hằng năm, lễ hội KaTê bắt đầu vào cuối 6, đầu tháng 7 theo lịch Chăm, tương tự như Tết Nguyên đán của người Kinh, do vậy, KaTê được xem như là Tết của người Chăm.

 

Từ sáng sớm ngày 29-9, tức 1-9 âm lịch, trùng ngày 1-7 theo lịch Chăm, khắp các nẻo đường dẫn lên tháp Pô Sha Inư, đồng bào các plei Chăm trong tỉnh với những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, dập dìu trẩy hội. Vào dịp KaTê năm nay, Bình Thuận lại đăng cai tổ chức Hội thi thể thao dân tộc Chăm toàn quốc, do đó, nhiều đồng bào Chăm ở các tỉnh khác có dịp cùng chung vui. Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước có mặt dự khán trong ngày chính thức diễn ra lễ hội.

 

KaTê là lễ hội thiêng liêng của đồng bào Chăm nhằm tưởng nhớ công đức của các thần linh, các bậc tiền nhân đã giúp mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm. Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, cho biết: “Pô Sha Inư là tên vị “Nữ thần” có từ thế kỷ 15, được đồng bào Chăm vùng đất Bình Thuận tôn kính, thờ phụng vì đã có công chỉ dạy cách dẫn thuỷ nhập điền để trồng lúa nước, có cuộc sống sung túc”. Lễ hội KaTê tại tháp Pô Sha Inư được phục dựng lại từ năm 2005 và phần “lễ” tại đây chính là các nghi thức truyền thống của đồng bào Chăm thể hiện lòng tôn kính đối với vị nữ thần này.

 

Điểm “nhấn” của phần lễ là nghi thức múa rước kiệu, y phục của nữ thần lên tháp. Trong nhịp nhàng tiếng trống Pa-ra-nưng, réo rắt tiếng kèn Sa-ra-nai, các nam thanh, nữ tú uyển chuyển theo những vũ điệu Chăm truyền thống trên quãng đường gần 200 m, làm say đắm lòng người. Trên nét mặt các chức sắc tôn giáo, già làng theo đoàn rước, thể hiện sự thành kính đối với tiền nhân, sự mãn nguyện vì một lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc đã được chính quyền, các ngành liên quan tỉnh Bình Thuận cùng các nhà khoa học góp công lớn phục dựng, phát triển. Sư cả Bà-la-môn Thông Bo ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: “Việc phục dựng lễ hội KaTê tại tháp Pô Sha Inư đúng theo thời gian và các nghi thức truyền thống của ông bà để lại và năm nay là lần thứ tư lễ hội diễn ra tại đây, kể từ năm 2005. Chúng tôi rất biết ơn chính quyền, ngành văn hoá tỉnh Bình Thuận đã quan tâm chu đáo đến đời sống văn hoá, tinh thần, tâm linh của đồng bào Chăm chúng tôi”.

 

Điểm độc đáo trong phần lễ KaTê tại tháp Pô Sha Inư là có khá đông đồng Chăm theo đạo Bà Ni (Hồi giáo cũ) ở huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức cúng lễ cầu an, dù đây là lễ của đạo Bà-la-môn. Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Xuân Lý giải thích, thì xa xưa, đồng bào Chăm theo đạo Bà Ni ở huyện Hàm Thuận Bắc cũng cùng một gốc đạo Bà-la-môn. Từ sợi dây nối kết nhau lâu đời như vậy, nên đến nay, đồng bào vẫn gắn bó, đoàn kết với nhau, dù theo các tôn giáo khác nhau.

 

 

 

Vũ điệu Chăm bên tháp cổ làm say đắm lòng người.

 

Nếu phần “Lễ” diễn ra trang nghiêm, đúng theo các nghi thức truyền thống, thì phần “Hội” cũng đã thể hiện đậm nét những sinh hoạt truyền thống, độc đáo của đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Tại khu vực tháp, du khách đã tận mắt chứng kiến những đôi tay tài hoa, thoăn thoắt của các phụ nữ Chăm dệt nên những tấm vải thổ cẩm ; thích thú đến ngạc nhiên trước các động tác uyển chuyển của các nghệ nhân biểu diễn chế tác gốm Chăm truyền thống bằng kỹ thuật đánh vòng. Họ cũng được mãn nhãn khi chứng kiến các nghệ nhân làm các loại bánh đặc trưng của người Chăm trong dịp lễ hội như bánh gừng, bánh gan tây. Vào đêm hôm trước, du khách không thể rời bước khỏi sân khấu đậm đặc “chất Chăm” với ngọt ngào những làn điệu dân ca, tưng bừng, náo nhiệt của các điệu dân vũ…

 

 

 

Biểu diễn dệt thổ cẩm tại khu vực tháp Pô Sha Inư.

 

Sau lễ hội chính tại tháp, KaTê sẽ về đến các plei và từng gia đình đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở Bình Thuận. Chúng tôi cũng vừa đến thôn 3, một plei Chăm thuộc thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc vào thứ bảy, 27-9, và nhận thấy không khí đón chờ KaTê đã lan toả khắp mọi nhà. Thời điểm này, cũng là lúc mà thôn 3 thị trấn Ma Lâm và tất cả các thôn, khu phố khác ở Bình Thuận, đang chuẩn bị cho việc bầu trực tiếp chức danh trưởng thôn, khu phố nhiệm kỳ 2008-2011 vào chủ nhật, 28-9. Nhà nhà treo cờ tổ quốc, Nhà văn hoá thôn được trang hoàng đẹp đẽ và nét hân hoan, phấn khởi thường trực trên gương mặt từng người. Trưởng thôn Thông Khói cho biết: “ Năm nào, đồng Chăm thôn 3 chúng tôi cũng “ăn” Tết KaTê sau ngày lễ chính thức tại tháp Pô Sha Inư nửa tháng. Đây là dịp vừa để bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, vừa là dịp “xả hơi” sau một vụ mùa để “nạp năng lượng” tiếp tục vào vụ mới. Tuy vậy, nhiều “mùa” KaTê qua, bà con chúng tôi đã giảm bớt những nghi thức rườm rà, cố gắng tiết kiệm, cốt làm sao để mọi người vui vẻ, động viên nhau nỗ lực nhiều hơn trong lao động, sản xuất, chăm lo giáo dục con cái học hành nên người…”.

 

Tâm sự của ông trưởng thôn có thâm niên hơn chục năm này cũng là suy nghĩ chung của đa số đồng bào Chăm ở Bình Thuận. Hy vọng, những mùa KaTê sau, các plei Chăm sẽ vui vẻ, ấm cúng hơn...

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT