Non nước Việt Nam

Trống sành: Nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc Cao Lan

Cập nhật: 01/10/2008 16:10:52
Số lần đọc: 2931
Giống như cây khèn của dân tộc Mông, đàn tính tẩu của dân tộc Tày, trống sành là nhạc cụ tiêu biểu của đồng bào dân tộc Cao Lan.   Trung tâm Văn hoá -Thông tin - Thể thao huyện Yên Sơn cho biết: số trống sành trong huyện có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó có một chiếc của ông Hoàng Tiến Đồng, 65 tuổi, dân tộc Cao Lan ở thôn Song Lĩnh, xã Lưỡng Vượng. Trống sành: Nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc Cao Lan

Ông Hoàng Tiến Đồng một người có thâm niên chơi loại nhạc cụ này cho biết, chiếc trống sành ông đang dùng là do ông cụ thân sinh để lại. Ông bảo, hiện nay nhiều người nhầm tưởng đánh trống sành là để hát sình ca. Chính xác, trống sành là nhạc cụ quan trọng để thực hiện các bài cúng thần linh, làm lễ cầu mưa, cầu mùa, cầu may, cầu mát. Ngoài ra, trống sành còn được đánh đệm cho các điệu múa của dân tộc Cao Lan trong ngày hội với các tiết mục tiêu biểu như: “Múa chim gâu”, “Múa xúc tép”, “Múa tam nguyên”, “Múa khai đao phát lộ”...

Khác với thân trống trận làm bằng gỗ, thân trống sành được làm từ đất nung. Ông Hoàng Tiến Đồng cho biết, trước kia bố ông thường đi tìm chỗ nào có đất sét tốt lấy về làm thân trống. Đất sét sau khi lấy về được trộn thêm nước đảo nhiễn, mịn, rồi cho lên bàn quay thực hiện công đoạn tạo dáng. Thân trống thường có chiều dài khoảng 40 cm, đường kính mặt trống to 25 cm, mặt trống nhỏ 16 cm, độ dày vỏ trống 5 - 8 mm, hai đầu trống hình viên trụ, thắt eo ở giữa. Thông nhau giữa hai đầu khoang trống qua đoạn thắt eo ở giữa là một lỗ bằng quả trứng gà. Thoạt nhìn thân trống sành đơn giản, nhưng làm đúng kỹ thuật không dễ chút nào. Hai đầu mặt trống to, nhỏ khi đánh âm thanh chạy qua lỗ thắt eo tạo ra sự trầm bổng khác nhau. Sau khi thân trống được tạo dáng để khô mới đưa vào lò nung. Các cụ ngày xưa thường đào một hầm đất, có thể chứa được 4-5 thân trống, dùng củi núi đá đốt liên tục trong một tuần mới ra lò. Thân trống sành ra lò không phải là gốm mà chuyển sang sành mới đạt, tiếp đó tráng một lớp men để tạo độ bền, bóng, mịn cho trống sành.


Công đoạn tiếp theo là làm mặt trống. Mặt trống sành không làm bằng da trâu mà là da kỳ đà hoặc da trăn. Tốt nhất vẫn là da kỳ đà. Các loại da này tươi nguyên được mang đi thuộc, rồi căng, khâu viền chặt lên vòng tròn sắt theo kích thước của mặt trống, trùm sâu vào thân trống khoảng 2-3 cm. Quanh mặt trống tạo các móc sắt, dùng dây thừng nhỏ ngoắc vào đan chéo dọc thân trống để giữ hai mặt trống ốp vào thân trống sành luôn được căng. Đoạn dây thừng còn thừa quay ngang cuốn xung quanh phần thắt ngẫng ở giữa tạo độ căng thêm cho hai mặt trống.


Đánh trống sành có hai cách, nếu cúng, người ta ngồi để trống vào hai cổ chân rồi đánh; còn khi nhảy múa, dùng dây vải buộc hai đầu trống treo vào cổ đến tầm ngang bụng. Mặt trống to được đánh trực tiếp bằng 4 đầu ngón tay chụm lại, mặt nhỏ dùng que nứa có lưng đánh hơi cong tạo độ nẩy trên mặt trống. Trước khi đi diễn, người ta thường ngâm trống sành vào nước 1- 2 ngày, tạo da mặt trống căng, âm hưởng đánh ra kêu vang, có hồn. Mặt da trống sành làm đúng quy cách có thể sử dụng trong 20 năm mới phải thay cái mới.



Trống sành là một nhạc cụ quý của dân tộc Cao Lan, năm 2003 một đoàn làm phim của Nhật Bản đã đến nhà ông Hoàng Tiến Đồng dựng phim về nét văn hoá trống sành. Một số nhà nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng lên tìm hiểu về văn hoá trống sành tại gia đình. Ông Đồng nói, tuổi ông đã cao, ông đang truyền lại kỹ thuật căng da mặt trống, đánh trống cho mấy cậu con trai, kẻo sau này nét văn hoá của dân tộc bị mai một. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay ngoài Yên Sơn,một số huyện khác trong tỉnh vẫn còn một số trống sành nữa đang cần được nghiên cứu, bảo tồn.

 

Nguồn: website báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT