Hoạt động của ngành

Bánh đặc sản Đền Hùng - Sản vật đặc trưng vùng đất Tổ

Cập nhật: 08/04/2014 10:28:30
Số lần đọc: 3465
Trong hành trình về thăm viếng Đền Hùng, mỗi du khách đều mong muốn được mua một vài món quà nhỏ là sản vật đặc trưng của vùng đất Tổ để đem biếu bạn bè, người thân. Đứng trước nhu cầu đó, từ năm 2006, UBND tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Lâm Thao đã quyết định hỗ trợ đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất các loại bánh đặc sản tại chính vùng đất Hy Cương dưới chân núi Hùng.

Mang tâm nguyện của những người con đất Tổ muốn giới thiệu với du khách thập phương những sản vật đặc trưng của quê hương, anh Đào Văn Long, khu 8, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì đã quyết định đầu tư mở xưởng sản xuất bánh đặc sản Đền Hùng. Trước đây, các hàng quán dịch vụ ở Đền Hùng chỉ bán những sản phẩm do các địa phương khác sản xuất mang đến chứ chưa có những sản phẩm sản xuất tại Phú Thọ. Tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn từ Bình Dương, Huế, Bắc Ninh, Hà Nội… kết hợp với những kinh nghiệm dân gian truyền thống của người dân địa phương, anh Long cùng gia đình đã làm ra những loại bánh vừa thơm ngon, hình thức đẹp lại để được lâu, phù hợp với tâm lý và thị hiếu của người tiêu dùng. Từ những nguyên liệu là các sản vật địa phương và các vùng lân cận, cơ sở sản xuất bánh đặc sản Thành Long đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon mang hương vị riêng như: Bánh cốm nếp nương, bánh chè lam nếp cái hoa vàng, bánh củ mài, bánh đa, bánh khoai môn, bánh dứa, bánh rau sắng, bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài cổ tích nướng, bánh mè giòn đậu phộng, kẹo lạc Hùng Vương, chuối đồi đất Tổ…

Sự phong phú của các loại bánh với màu sắc rực rỡ và hình thức đẹp đã tạo được sự chú ý của du khách thập phương.

Các loại bánh đặc sản do cơ sở Thành Long sản xuất ra không dùng một loại thuốc bảo quản nào và đều tuân thủ theo các quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làm ra một sản phẩm bánh phải trải qua nhiều công đoạn. Bánh củ mài được làm bằng cách nghiền củ mài thành bột, sau đó cho vào nấu cùng bột nếp, mạch nha và đường. Người nấu dùng kinh nghiệm để quan sát độ chín dẻo để múc ra, lót cơm dừa làm áo rồi mới để nguội, cắt khúc, đóng gói. Còn để làm bánh chè lam thì phải nổ bỏng từ hạt lúa, làm sạch hoa bỏng rồi cho vào máy nghiền thành bột, sau đó nấu cùng nha đường, gừng, lạc rồi mới rải bột vào cán mỏng, cắt khúc và đóng gói. 

Nằm trong dự án sản xuất bánh kẹo truyền thống phục vụ lễ hội Đền Hùng, ngoài được hỗ trợ về vốn đầu tư sản xuất, cơ sở còn được Khu Di tích lịch sử Đền Hùng bố trí cho một quầy giới thiệu sản phẩm ở khu vực ngã năm đền Giếng để giới thiệu những sản phẩm đặc trưng vùng đất Tổ đến với du khách thập phương. Lợi thế này đã được cơ sở sản xuất bánh kẹo Thành Long tận dụng để mời du khách thập phương nếm thử các loại bánh mà không phải trả tiền. Giá bán cho mỗi hộp bánh từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng là mức giá phải chăng hợp túi tiền du khách.

Vinh dự là cơ sở duy nhất sản xuất tại địa phương và mang thương hiệu bánh đặc sản Đền Hùng, cơ sở sản xuất bánh đặc sản Thành Long mong muốn ngày càng được mở rộng quy mô sản xuất, làm ra nhiều loại sản phẩm đa dạng và chất lượng cao hơn để phục vụ du khách thập phương mỗi  khi về thăm viếng mộ Tổ./.

Nguồn: phutho.gov.vn

Cùng chuyên mục