Hoạt động của ngành

Hà Giang: Để ngành du lịch thành “mũi nhọn”

Cập nhật: 11/04/2014 08:15:58
Số lần đọc: 1703
Hà Giang có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, ngành Du lịch của tỉnh đạt được những thành tựu đáng khích lệ.

Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu tính bền vững. Để du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam và quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hà Giang nằm trong quần thể núi non hiểm trở với độ cao trung bình từ 800 đến 1.200m so với mặt nước biển. Với địa hình đa dạng tạo cho tỉnh nhiều cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, trong đó nổi tiếng có Cổng trời và núi Đôi Quản Bạ (Quản Bạ); đỉnh Mã Pì Lèng, sông Nho Quế (Mèo Vạc); Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn); hệ thống ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Đặc biệt, tỉnh có Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là “Thành viên mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu” năm 2010... Cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, những năm qua, du lịch Hà Giang đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Năm 2000, toàn tỉnh đón trên 30.000 lượt du khách, đến năm 2012 số lượng khách tăng lên trên 410.000 lượt người, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 25%/năm. Tổng thu từ du lịch tăng từ 17 tỷ đồng năm 2000 lên 327 tỷ đồng năm 2012. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển... Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Hà Giang còn nhiều hạn chế, bất cập. Khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế chưa nhiều, lưu trú ít ngày, chi tiêu chưa cao. Tổng thu từ du lịch thấp, chưa thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn. Liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng mang tính hình thức. Chất lượng dịch vụ thấp, nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng...

 

Trên cơ sở Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam và Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh lập quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quan điểm chung, phát triển du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam và định hướng phát triển du lịch vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các ngành kinh tế khác trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế chung toàn tỉnh. Đưa tỉnh trở thành một trong những địa bàn trọng điểm về du lịch của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đến năm 2020, phát triển được sản phẩm du lịch đặc trưng là Khu du lịch Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang... Phấn đấu lượng khách đến Hà Giang tăng 15%/năm (giai đoạn 2013 - 2020) và 10,3%/năm (giai đoạn (2020 - 2030). Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt trên 2.650 tỷ đồng, năm 2030 đạt trên 11.800 tỷ đồng. Cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch đáp ứng được yêu cầu phát triển chung, trong đó số phòng nghỉ đến năm 2020 đạt 6.200 buồng, đến năm 2030 đạt khoảng 16.400 buồng.

 

Để đạt được mục tiêu trên, quy hoạch tổng thể đặt ra cho tỉnh xây dựng, thực hiện các quy hoạch chi tiết. Trong đó có quy hoạch phát triển thị trường du lịch, tập trung ưu tiên thị trường truyền thống Mỹ, Canada, Đức, Pháp; đẩy mạnh phát triển thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Về sản phẩm du lịch, phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục tại khu du lịch Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, bản sắc dân tộc thiểu số, các công trình kinh tế - xã hội... Phát triển du lịch theo 3 không gian chính là không gian trung tâm gồm các huyện vùng thấp; không gian du lịch Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 4 huyện vùng cao phía Bắc; không gian du lịch Tây Nam là các huyện phía Tây. Hình thành các trung tâm du lịch: Trung tâm du lịch thành phố Hà Giang: Trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử Đồng Văn (Đồng Văn); Trung tâm du lịch vui chơi giải trí Quản Bạ (Quản Bạ); Trung tâm du lịch sinh thái đô thị xanh Yên Minh (Yên Minh); Trung tâm du lịch mạo hiểm, du lịch khoa học và du lịch thương mại Mèo Vạc (Mèo Vạc); Trung tâm du lịch sinh thái và thể thao khám phá Cốc Pài (Xín Mần). Trên cơ sở không gian, trung tâm du lịch, tỉnh hình thành các tua, tuyến du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, ngành Du lịch Hà Giang cần đầu tư nhiều dự án; trong giai đoạn đến năm 2020, đầu tư 21 dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu phát triển các khu du lịch, sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, ưu tiên phát triển khu du lịch Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn và danh thắng Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Tổng nhu cầu đầu tư phát triển du lịch đến năm 2030 trên 24.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ khu vực tư nhân chiếm trên 90%.

 

Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch cho biết, để quy hoạch phát triển du lịch được triển khai đạt mục tiêu đề ra, dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể của tỉnh, các ngành, địa phương cần xây dựng đề án thực hiện cụ thể. Cần sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và người dân, trước mắt đối với các doanh nghiệp dựa trên cơ sở phân kỳ đầu tư, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch. Đối với người dân, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, chung sức cùng chính quyền bảo vệ các sản phẩm du lịch. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Giang đến với du khách trong và ngoài nước cũng như quan điểm phát triển du lịch của tỉnh đến các nhà đầu tư.../.

 

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục