Hoạt động của ngành

Quảng Ninh hướng tới phát triển hát nhà tơ - hát cửa đình thành sản phẩm du lịch

Cập nhật: 14/04/2014 15:11:52
Số lần đọc: 1455
(TITC) - Là tỉnh ven biển thuộc duyên hải Đông Bắc, Quảng Ninh không những có nhiều thắng cảnh đẹp mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em (Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa…).

Đây là nền tảng để Quảng Ninh xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù thu hút du khách, tiêu biểu như: tour du lịch làng quê Yên Đức (huyện Đông Triều), tour du lịch cộng đồng ở huyện Cô Tô, tour du lịch cộng đồng tại làng chài Vông Viêng, Cửa Vạn (TP. Hạ Long)…

Để tiếp tục tạo điểm nhấn cho du lịch văn hóa, Quảng Ninh đã triển khai đề án “Xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc trở thành sản phẩm du lịch”, trong đó có loại hình hát nhà tơ - hát cửa đình, một loại hình nghệ thuật dân gian với lời lẽ, ca từ giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc trầm ngâm, sâu lắng. Theo đó, loại hình nghệ thuật hát nhà tơ - hát cửa đình sẽ được xây dựng và phát triển cho phù hợp với các tour du lịch dựa trên những nét đặc trưng riêng vốn có. Bên cạnh đó, loại hình này còn được “sân khấu hoá” theo hướng tinh giản và chọn lọc những trích đoạn đặc sắc, hấp dẫn để trình diễn phục vụ du khách. Cùng với đó, địa điểm, không gian biểu diễn cũng sẽ được bố trí hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho cả đơn vị tổ chức biểu diễn lẫn các công ty lữ hành; đảm bảo tốt các hoạt động đi, đến, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm du lịch khác ở Quảng Ninh của du khách... Ngoài ra, các vấn đề khác cũng cần được sắp xếp hài hòa, phù hợp nhằm bổ trợ cho việc xây dựng sản phẩm du lịch mới này như: không gian văn hoá, giao thông, môi trường cảnh quan, thời gian lưu trú, các sản phẩm tương hỗ, quan hệ giữa bảo tồn đặc trưng thể loại với yêu cầu của thời đại…


Biểu diễn một tiết mục hát nhà tơ-hát của đình
tại đình Đầm Hà (xã Đầm Hà)

Theo một số chuyên gia du lịch, sau khi loại hình nghệ thuật hát nhà tơ - hát cửa đình chính thức trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, nên tổ chức thực hiện thí điểm tại một số địa điểm phù hợp như: các điểm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử - văn hoá hay trong các lễ hội đặc sắc của địa phương, điểm nhấn là tại TP. Móng Cái, một trong ba không gian mang tính truyền thống của loại hình hát nhà tơ - hát cửa đình và cũng là nơi thu hút nhiều du khách Trung Quốc vốn rất quan tâm tới loại hình nghệ thuật này.

Ngoài ra, hát nhà tơ - hát cửa đình cũng có thể được biểu diễn trên bãi biển, trên tàu du lịch, trong hang động... nhằm phục vụ du khách trong và ngoài nước tham quan vịnh Hạ Long.

Hát nhà tơ - hát cửa đình là một loại hình diễn xướng dân gian, tuy nhiên, tùy từng không gian trình diễn mà loại hình nghệ thuật này được gọi theo từng tên khác nhau. Nếu trình diễn trong gia đình thì được gọi là hát nhà tơ, còn trình diễn tại các đình, chùa thì được gọi là hát cửa đình (hát thờ).

Theo tương truyền, hát nhà tơ - hát cửa đình vốn được các cư dân miền Trung mang theo trong quá trình di cư, lập làng, lập ấp tại Quảng Ninh và dần phát triển thành loại hình diễn xướng dân gian được tổ chức tại các đình, chùa, trong các lễ hội… với mong ước tạo ra điểm giao lưu văn hóa cho cộng đồng.

Hát nhà tơ - hát cửa đình phát triển mạnh ở các xã Vạn Ninh (TP. Móng Cái), xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) và xã Vạn Hoa (huyện Vân Đồn). Hiện xã Đầm Hà còn gìn giữ 9 giai điệu cổ của lối hát cửa đình là: giọng Vọng, giọng Thét nhạc, giọng Thả, giọng Huỳnh, giọng Giai, giọng Phú, giọng Ca trù, giọng Hãm và giọng Nhị thập tứ hiếu. Các điệu múa được sử dụng trong hát cửa đình gồm: múa Tế, múa Dâng hương, múa Đội đèn và múa Bông (múa tống Thần).

                   

                                                                                                   Thanh Hải 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục