Bảo tàng tổng hợp tỉnh Trà Vinh đã sưu tầm 326 hiện vật cổ
Ông Nguyễn Đức Tố, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, cho biết: Hầu hết các hiện vật nông ngư cụ và điêu khắc sưu tầm đều được làm từ các loại gỗ quý và có nhiều hiện vật được làm cách đây hơn 100 năm, điển hình như sa quạt nước phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, nọc cấy lúa dùng cho đất ruộng gò cao, chiếc hái cắt lúa được chạm khắc hình đầu rồng Niêk…
Các hiện vật sưu tầm hiện đã được đưa về Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer Trà Vinh trưng bày và bảo tồn.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, từ năm 1997, Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer Trà Vinh được xây dựng trong Khu di tích văn hóa Ao Bà Om và đưa vào hoạt động.
Tính đến nay, Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer Trà Vinh đang bảo tồn và trưng bày trên 600 hiện vật phản ánh về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer từ khi có mặt sinh sống trên đất Trà Vinh cho đến cuối thế kỷ 20.
Những năm qua, Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer Trà Vinh không chỉ là điểm đến tham quan, nghiên cứu về văn hóa của trên 90.000 lượt du khách trong nước và nước ngoài mỗi năm mà còn là nơi giáo dục về truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc đối với đồng bào Khmer Trà Vinh, nhất là đối với thanh niên, học sinh.
Hiện nay, Nhà bảo tàng Văn hóa Dân tộc Khmer Trà Vinh đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đầu tư hơn 4 tỷ đồng để cải tạo nâng cấp và thực hiện chỉnh lý trưng bày các hiện vật.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trà Vinh cũng đang tiến hành thực hiện dự án điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép và thống kê lại toàn bộ văn hóa phi vật thể của đồng bào Khmer trên địa bàn toàn tỉnh để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, không để bị mai một./.