Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: định hướng phát triển thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế

Cập nhật: 16/05/2014 10:42:11
Số lần đọc: 1595
(TITC) - Du lịch Quảng Ninh đang phát triển không ngừng và ngày càng đóng góp đáng kể vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, đóng vai trò như một cầu nối giao lưu văn hóa, hữu nghị giữa Quảng Ninh với các địa phương trong cả nước và các nước trên thế giới. Nhận thấy tầm ảnh hưởng của phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra nhiều định hướng và giải pháp để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đòn bẩy đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế.

Thế mạnh phát triển du lịch

Quảng Ninh có địa hình độc đáo với 80% diện tích là đồi núi đan xen biển cả và đồng bằng, hình thành nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như: núi Yên Tử (TP. Uông Bí), núi Am Váp (huyện Đông Triều), di sản thiên nhiên và kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (TP. Hạ Long), nhiều bãi biển đẹp (Trà Cổ, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng...). Nơi đây còn lưu giữ hơn 600 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 3 di tích đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm: di tích và danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí), di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên) và khu di tích nhà Trần (huyện Đông Triều). Quảng Ninh cũng là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa…với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc.

Hệ thống giao thông ở Quảng Ninh khá phát triển với tuyến đường bộ Hà Nội - Hạ Long dài 155km, tuyến đường thủy Cát Bà (Hải Phòng) - Hạ Long, tuyến đường không khởi hành từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đi tham quan vịnh Hạ Long.

Thành quả đạt được

Tiềm năng du lịch lớn cùng hệ thống giao thông thuận tiện đã góp phần đưa hoạt động du lịch ở Quảng Ninh không ngừng phát triển và đạt được những thành tựu nhất định trong thời gian qua như: cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển (nâng cấp các cảng biển, bến thuyền, cơ sở lưu trú trên bờ, tàu du lịch các loại, nhà hàng, điểm mua sắm, khu công viên, hệ thống thông tin liên lạc, mạng điện lưới quốc gia trên huyện đảo Cô Tô…); các sản phẩm du lịch được đa dạng hoá; nhiều tour du lịch mới, đặc trưng được đưa vào khai thác (tour tham quan huyện đảo Vân Đồn, khu di tích Yên Tử…); không gian du lịch được mở rộng thông qua liên kết hợp tác với một số tỉnh, thành trong nước (Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh…) và các quốc gia trên thế giới (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp…)  

Hoạt động du lịch phát triển kéo theo lượng khách đến Quảng Ninh tăng mạnh. Theo số liệu thống kê, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010 tăng bình quân 11,8%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 13,5%/năm; tổng thu du lịch tăng bình quân 24,5%/năm. Riêng năm 2013, Quảng Ninh đã đón 7,5 triệu lượt khách, trong đó có 2,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 5.000 tỷ đồng.

Định hướng và giải pháp phát triển du lịch

Để thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã được tỉnh thông qua. Nghị quyết và quy hoạch đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc; đưa du lịch Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 7,6 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 5.500 tỷ đồng vào năm 2014; 10,5 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 30.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Để hoàn thành mục tiêu, Quảng Ninh đã đề ra các nhóm giải pháp: tiếp thị quảng bá và xây dựng thương hiệu; xây dựng sản phẩm du lịch mới; thiết lập các dự án hạ tầng giao thông vận tải; dự án hạ tầng du lịch (bao gồm các cơ sở lưu trú, nâng cấp các điểm du lịch và tăng cường các hoạt động du lịch); dự án xây dựng và bồi dưỡng nhân lực; dự án bảo vệ môi trường; quản trị công và hợp tác.

Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động du lịch; mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ nhân lực du lịch; tiếp tục hoàn thiện phát triển không gian du lịch trên 4 địa bàn du lịch trọng điểm: Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ; Vân Đồn - Cô Tô và Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên; định hướng mở rộng không gian du lịch Hạ Long gắn với Vân Đồn - vịnh Bái Tử Long và các vùng phụ cận đồng thời phát triển các không gian du lịch mới ở Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu... nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ khách đến từ các thị trường mục tiêu như: châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông...

 Thanh Hải

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục