Sơn La: Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Bản Hụm nằm ngay sát thành phố Sơn La, với dân cư chủ yếu là đồng bào Thái. Năm 2011, bản Hụm được tỉnh Sơn La chọn thí điểm xây dựng du lịch cộng đồng. Thông qua các hoạt động du lịch, những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây đã từng bước được bảo tồn, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Lò Văn Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, cho biết: Giữ gìn, bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc luôn được các cấp chính quyền ở địa phương chú trọng, đặc biệt là địa bàn có dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Người Thái vốn có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc, từ các món ẩm thực, đến các phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian. Xác định việc phát huy những thế mạnh đó để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc là cách để người dân gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp, vốn quý của dân tộc mình, xã đã triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây.
Sau gần 3 năm triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, bản Hụm đã có những đổi thay đáng kể. Cùng với sự đi lên của điều kiện kinh tế, những nét văn hóa truyền thống của người dân đã từng bước được khôi phục và giữ gìn. Ông Quàng Văn Phóng, Trưởng bản Hụm, cho biết: Bản đã phục dựng những điệu múa xòe, luyện tập những làn điệu dân ca truyền thống. Đến nay, bản đã có 4 đội văn nghệ, thu hút sự tham gia của hơn 30 thành viên, với thành phần chính là hội viên hội phụ nữ và đoàn viên đoàn thanh niên. Nhờ có các đội văn nghệ, những bài hát, điệu múa của người Thái đã được người dân trong bản, nhất là thế hệ trẻ biết tới.
Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch ở lại bản trong thời gian dài, bản Hụm đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Đến đây, du khách sẽ được tham gia các hoạt động sản xuất của bà con như làm nương, lội suối, bắt cá, dệt vải, nấu những món ăn truyền thống. Để làm được việc này, người dân trong bản đều phải học cách chế biến các món ăn truyền thống, học cách thêu khăn, dệt vải để hướng dẫn du khách. Chính vì vậy mà khi đến bản, du khách sẽ dễ dàng thấy cảnh bà con bên khung dệt tay, quay sợi trong những buổi nông nhàn. Những thiếu nữ chưa biết dệt thì được các bà, các mẹ trong bản dạy cho. Nhờ đó mà bây giờ những thiếu nữ ở bản ai cũng biết dệt những vật dụng bằng thổ cẩm..., những nét văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ một cách hiệu quả.
Phát triển kinh tế từ các sản phẩm văn hóa
Du lịch cộng đồng đã có những tác động tích cực đến cuộc sống của người dân bản Hụm. Đến bản Hụm bây giờ điều đầu tiên du khách có thể cảm nhận được đó là sự thay đổi về đường giao thông và cảnh quan môi trường. Xen giữa những ngôi nhà sàn nằm dưới những tán cây xanh là con đường bê tông kiên cố, trải dài. Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản, Trưởng bản Quàng Văn Phóng vui mừng chia sẻ: “Từ khi làm du lịch, bà con trong bản đã có ý thức trong việc giữ gìn đường sá, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn”.
Cũng nhờ tham gia du lịch cộng đồng, người dân bản Hụm có điều kiện giao lưu học hỏi và tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến, họ nhận thức được việc cần thay đổi những tập tục lạc hậu trong cuộc sống để phù hợp với đời sống mới. Chị Lèo Thị Châu cho biết, bà con người Thái thường có thói quen nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới gầm nhà sàn để tiện chăm sóc và bảo vệ. Từ khi tham gia phát triển du lịch cộng đồng, được tập huấn và hướng dẫn về những điều kiện để xây dựng mô hình này, nhận thức của bà con đã thay đổi để phù hợp với nếp sống mới. Đến nay, các gia đình người Thái ở bản Hụm không còn nuôi nhốt trâu, bò hay gia súc dưới gầm nhà sàn nữa, các loại vật nuôi đã được chuyển ra khu vực riêng cách xa nhà ở. Cùng với đó, các công trình nước sạnh, nhà vệ sinh đã được xây dựng khép kín, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Nhờ vậy, cảnh quan môi trường ở bản luôn được giữ gìn, nguy cơ mắc các bệnh từ vật nuôi đã giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, bản Hụm đã xây dựng quy ước để mọi người dân cùng tham gia. Đây cũng chính là cơ sở cho cách ứng xử trong sinh hoạt của người dân, đồng thời bổ trợ cho quy ước văn hóa cộng đồng do chính quyền cấp xã ban hành. Thông qua việc tiếp đón, phục vụ khách du lịch, hiểu biết và sự đáp ứng của người dân trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh được nâng lên. Cùng với những giá trị đạt được về văn hóa - xã hội, hoạt động du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân bản Hụm. Đến nay, bản Hụm đã không còn hộ thiếu đói, thu nhập bình quân hàng năm đạt gần 15 triệu đồng/người/năm.
Với những kết quả bước đầu do hoạt động du lịch cộng đồng mang lại tại bản Hụm đã cho thấy, việc giữ gìn văn hóa truyền thống cần phải thông qua những hoạt động cụ thể và gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đây cũng là kinh nghiệm, cách làm hay trong việc bảo tồn và phát huy các nét văn hóa đặc sắc tại các vùng miền khác ở vùng Tây Bắc./.