“Hát Xoan làng cổ” Phú Thọ - Hành trình du lịch mới hấp dẫn
Truyền thuyết xưa kể lại rằng, trong một lần ba anh em Hùng Vương đi tìm đất đóng đô, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, Vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe. Nghe xong, Vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ ơn Vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ Vua, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng Vua. Từ sáng mồng 1 đến hết ngày mồng 5 tháng Giêng, dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ Vua và trình diễn lại những điệu hát múa được Vua trao truyền, với mục đích cầu mong Vua ban phúc cho dân làng một năm an hoà. Hát Xoan bắt nguồn từ đó.
Đến với Hát Xoan cổ Kim Đức vào những ngày này, các phường Xoan đang tích cực tập luyện cho chương trình “Hát Xoan làng cổ” cũng như các hoạt động phục vụ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Làng Xoan cổ Kim Đức hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị cho du khách gần xa khi về với đất Tổ Vua Hùng. Tới đây, du khách sẽ được nghe các nghệ nhân cùng các đào, kép của 3 phường Xoan biểu diễn những tiết mục Xoan cổ và cùng tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương. Nếu có cơ hội tham dự chương trình “Hát Xoan làng cổ”, du khách sẽ được các hướng dẫn viên giới thiệu về sự tích của các di tích lịch sử văn hóa vùng đất Tổ, được tham quan các làng nghề truyền thống tại một số địa phương và hơn hết là được các nghệ nhân và đào kép Xoan hướng dẫn múa, hát biểu diễn cùng phường Xoan để du khách có thể cảm nhận thêm những giá trị đặc sắc của hát Xoan.
Trải qua hàng nghìn năm, từ những buổi đầu ra đời là hình thức nghi lễ hát thờ Vua đến nay, hát Xoan đã trở thành di sản độc đáo và là nét sinh hoạt văn hóa mang đặc trưng riêng của người dân Phú Thọ. Từ đời này sang đời khác, nhân dân tại các làng Xoan đã gìn giữ, bảo tồn các giá trị đặc sắc, độc đáo của hát Xoan. Sau mỗi lần biểu diễn hát Xoan, tinh thần đoàn kết cộng đồng càng thêm gắn bó bền chặt. Những tiết mục Xoan đặc sắc mang tích vùng miền này sẽ đưa du khách về với lịch sử dựng nước thời đại các Vua Hùng, giúp du khách cảm nhận và hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, điệu hát cũng rất gần gũi với giọng nói. Nhạc cụ trong Hát Xoan cũng giản đơn, chỉ một chiếc trống nhỏ, đôi ba cặp phách tre là các nghệ nhân có thể biểu diễn cho khán giả xem những làn điệu Xoan đắm say lòng người.
Chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa là cơ sở ban đầu để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn trong hành trình về với cội nguồn dân tộc góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa thế giới hát Xoan tới khách du lịch từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế. Chương trình du lịch cũng khích lệ người dân, các nghệ nhân tại các phường Xoan gốc gìn giữ, bảo vệ, truyền dạy hát Xoan nhằm phát huy giá trị cao quý của làn điệu nghệ thuật độc đáo này./.