Nhìn ra thế giới

Du ngoạn trên sông Hoàng Hà, Trung Quốc

Cập nhật: 08/10/2008 11:23:15
Số lần đọc: 4547
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai ở Trung Quốc (5.654 km), đứng sau sông Trường Giang (còn gọi là Dương Tử Giang) và đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Hoàng Hà được xem là cái nôi của nền văn minh Trung Quốc.

Những triều đại đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc (Hạ, Thương, Chu) đều hình thành ở lưu vực Hoàng Hà. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, các nước chư hầu xuất hiện và tranh giành bá vị với nhau, chủ yếu cũng đều tại lưu vực Hoàng Hà. Về sau, người Trung Quốc mới tiến dần về phía Nam ở lưu vực sông Trường Giang.

Thành phố Trịnh Châu - thủ phủ tỉnh Hà Nam của Trung Quốc nằm sát bờ Nam sông Hoàng Hà. Tại đây, ngành du lịch Trung Quốc quy hoạch một khu vực cho du khách tham quan có tên là “Trịnh Châu Hoàng Hà phong cảnh danh thắng khu”. Chuyến tham quan bao gồm đi du thuyền trên sông, ghé thăm những thắng cảnh và di tích lịch sử hai bên bờ, qua đó có thể hiểu được một phần đặc điểm của con sông và một phần lịch sử cổ xưa của Trung Quốc.

Hoàng Hà phát nguyên từ tỉnh Thanh Hải, chảy về Tây qua tỉnh Tứ Xuyên, rồi rẽ lên hướng Bắc, chảy qua tỉnh Cam Túc và Khu tự trị Hồi Ninh Hạ, tiến vào Khu tự trị Nội Mông đến trấn Hà Khẩu. Đó là thượng du Hoàng Hà, dài 3.472 km. Đoạn sông này chảy qua nhiều hang núi, ghềnh đá hiểm trở.

Từ Hà Khẩu, sông bẻ ngoặt xuống phía Nam, trở thành con sông giáp giới hai tỉnh Thiểm Tây và Sơn Tây, đến địa phận cuối tỉnh Sơn Tây thì ngoặt 90 độ sang phía Đông và chảy vào địa phận tỉnh Hà Nam, đến thành phố Trịnh Châu. Đoạn sông này là trung du Hoàng Hà, dài 1.122 km. Dòng sông chảy xiết, qua cao nguyên hoàng thổ, mang theo lượng đất bùn màu vàng rất lớn, khiến cho nước sông có một màu vàng đục, từ đó có tên sông là Hoàng Hà.

Từ Trịnh Châu, con sông chảy qua vùng đồng bằng hai tỉnh Hà Nam và Sơn Đông rồi đổ ra biển Bột Hải. Đoạn sông này là hạ du Hoàng Hà, dài 870 km. Hai bên bờ sông đều có đê lớn ngăn chặn nước lũ.

Số lượng phù sa dòng sông mang theo rất lớn, tích lũy nhiều năm khiến cho lòng sông cao hơn các thành thị hai bên bờ. Các thành phố lớn như Trịnh Châu, Khai Phong đều thấp hơn lòng sông khoảng 10m nên người ta còn gọi Hoàng Hà là Huyền Hà (sông treo).

Hoàng Hà là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa, nhưng đồng thời nó gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho nhân dân trong vùng. Đất từ cao nguyên hoàng thổ là đất xốp tạo thành lượng phù sa lớn khủng khiếp, nên đặc điểm của Hoàng Hà là nước sông dễ ứ lại, dễ tràn ra, dễ đổi dòng. Chỉ trong vòng 3.000 năm trở lại đây, vùng hạ lưu Hoàng Hà bị vỡ đê hơn 1.500 lần, còn con sông đổi dòng 18 lần. Trận lụt năm 1887 đã làm cho hai triệu người mất mạng, còn trận lụt năm 1931 đưa số người chết lên đến bốn triệu.

Bãi đỗ xe bên bờ sông là một quảng trường rộng lớn, có tên là Viêm Hoàng. Tại đây có hai bức tượng cực lớn xây trên đồi, nhìn xuống quảng trường, chính là tượng Viêm Đế và Hoàng Đế - hai nhân vật truyền thuyết trong cổ sử Trung Quốc, mang tính chất thần thoại giống như Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân trong cổ sử Việt Nam.

Nếu người Việt chúng ta cho mình là con Rồng cháu Tiên thì người Trung Quốc cho rằng tổ tiên họ là ông Bàn Cổ. Sau Bàn Cổ là thời kỳ Tam Hoàng rồi tới Ngũ Đế, đến Viêm Đế là vị vua thứ ba trong Tam Hoàng, thường được gọi là Thần Nông, người có công dạy dân làm ruộng, chuyển từ chế độ lượm hái và săn bắn sang chế độ canh tác nông nghiệp.

Hoàng Đế là vị vua kế tiếp Viêm Đế, cũng là vị vua đầu tiên trong Ngũ Đế, là người có công sáng tạo ra văn tự, lịch và các công cụ cơ giới. Thời đại trị vì của họ là khoảng 2.500 - 3.000 trước Công nguyên, còn lĩnh vực cai trị của họ nằm trong hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam, tức lưu vực sông Hoàng Hà. Hai bức tượng khổng lồ nói trên có ý nhắn nhủ cho du khách biết rằng tỉnh Hà Nam chính là trung tâm phát tích của lịch sử và nền văn minh Trung Quốc.

Trên bãi cát ven sông, có nhiều chiếc thuyền chờ đón du khách. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả thuyền đều nằm trên cạn. Thì ra đây là một loại thuyền đặc biệt, chỉ sử dụng trên sông Hoàng Hà, vừa chạy trên cạn, vừa chạy dưới nước, tiếng Trung Quốc gọi là lưỡng thê thuyền (giống như cách gọi ếch nhái là loại động vật lưỡng thê).

Hai bên bờ sông có nhiều thắng cảnh như núi Ngũ Long, đồi Lạc Đà, chùa Nhạc Sơn, hồ Tịnh Hải, đặc biệt là ba bức tượng lớn. Tượng thứ nhất là Bố Dục tượng, có nghĩa là tượng bà mẹ bú mớm cho con - một hình ảnh có tính chất ẩn dụ bà mẹ Hoàng Hà với dòng nước cuồn cuộn đã nuôi dưỡng người dân Trung Hoa. Tượng thứ hai là Đại Vũ tượng, tượng vua Vũ, còn gọi là Đại Vũ hoặc Hạ Vũ. Vua Vũ là thủy tổ nhà Hạ (triều đại phong kiến đầu tiên ở Trung Quốc, giai đoạn 2205-1766 trước Công nguyên).

Lịch sử ghi rằng Đại Vũ có công lớn và là người đầu tiên tiến hành công cuộc trị thủy sông Hoàng Hà. Cuối cùng là tượng Mao Chủ tịch thị sát Hoàng Hà, ngồi trên một phiến đá.

Đích đến cuối cùng của du thuyền là một hòn đảo ở giữa sông, thực ra là một cái cồn do phù sa bồi đắp. Đây là một khu giải trí với nhiều trò chơi, mà chủ yếu là cưỡi ngựa. Chủ ngựa là những nông dân ở ven sông dắt ngựa đến cho du khách thuê và chụp ảnh.

Trò chơi này khá hấp dẫn, số người tham gia rất đông. Có người chỉ trèo lên lưng ngựa, ngồi để chụp ảnh. Một số thanh niên phóng ngựa chạy trên bãi cát, cười đùa thích thú vì mấy khi ở thành phố được thưởng thức trò chơi giải trí này.

Du thuyền đưa chúng ta trở về thành phố Trịnh Châu. Đi được một quãng thì nhìn thấy phía bờ bên phải có một tấm bảng lớn ghi hai từ Hồng Câu - địa danh của vùng này.

Tấm bảng lớn có thể nhìn rõ từ giữa lòng sông nhằm giới thiệu cho du khách biết rằng nơi đây đã diễn ra một sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc vào thời kỳ Hán Sở tranh hùng: cuộc tranh chấp giữa Hán vương Lưu Bang và Sở Bá vương Hạng Võ (vào khoảng 200 năm trước Công nguyên).

Hoàng Hà đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện trọng đại trong lịch sử Trung Quốc. Nếu đi dọc con sông này để tìm hiểu chuyện cổ tích xưa thì không biết bao giờ mới ngừng.

Con sông vĩ đại này là đề tài, là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm thơ ca, văn học nghệ thuật Trung Quốc qua nhiều thời đại. Hoàng Hà được mô tả như con sông mẹ đã nuôi dưỡng hàng trăm triệu đứa con, như nơi khai sinh ra nền văn minh Trung Quốc, như một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ biến hóa thiên hình vạn trạng. 

Nguồn: website Dulichmuasam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT