Hoạt động của ngành

Văn hóa bản địa: Sản phẩm du lịch đặc trưng của Khánh Hòa

Cập nhật: 29/07/2014 15:27:10
Số lần đọc: 1854
Đến với Nha Trang - Khánh Hòa trong dịp hè này, du khách không chỉ ưa chuộng các tuyến tham quan biển đảo mà còn tìm đến những sản phẩm du lịch đặc trưng của văn hóa bản địa.

Cùng với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng thì du lịch văn hóa đang cho thấy những lợi thế - nếu ngành chủ quản và các doanh nghiệp kinh doanh biết tận dụng khai thác, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm của du lịch Khánh Hòa.

 

Công viên du lịch Yang Bay thu hút gần 3000 lượt khách trong ngày diễn ra Lễ hội Huyền thoại thác Yang Bay. Dưới hình thức sân khấu hóa, lễ hội tái hiện truyền thuyết hình thành ngọn thác Yang Bay và đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người Raglai. Từ nhiều năm nay, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của đồng bào Raglai đã trở thành sản phẩm đặc trưng của khu du lịch này. Yang Bay cũng là một trong số ít đơn vị phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa: văn hóa bản địa. Để ngày càng thu hút khách, Yang Bay thường xuyên đầu tư, tôn tạo, làm mới các khu tham quan, vui chơi, giải trí dựa trên quần thể sinh thái rừng, thác, suối và đá. 

 

Ngoài ra, đơn vị còn rất chú trọng khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa Raglai, xem đây là hướng phát triển dịch vụ trọng tâm, tạo điểm nhấn cho du khách. Yang Bay cũng là đơn vị duy nhất gây dựng và duy trì thành công đội văn nghệ người bản xứ nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá văn hóa của du khách trong và ngoài nước.

 

Ông Nguyễn Phi Trường, Phó Giám đốc Công viên du lịch Yang Bay cho biết đối với du khách, họ có thể thưởng thức cảnh đẹp, ăn ngon nhưng điều mà để lại trong lòng họ nhất là nét văn hóa của chính người địa phương nơi họ đến. Ngay từ thời điểm thành lập, chúng tôi đã trăn trở với điều này và đã đi vận động bà con, những thanh niên trẻ, có năng khiếu văn nghệ để về đào tạo. Lực lượng này 100% là người dân tộc Raglai với những tấm lòng của họ, văn hóa của họ, họ biểu diễn rất nhiệt tình và mộc mạc.

 

Ông Kuznetsov N. I, một du khách Nga chia sẻ: “Tôi rất thích ngày lễ này, màu sắc, quần áo, biểu diễn của diễn viên rất đẹp. Thông qua những điệu múa tôi có thể hiểu được truyền thuyết về Yang bay. Tôi và những người bạn Nga đều rất thích những ngày hội như thế này”.

 

Bản sắc văn hóa Raglai không chỉ thể hiện trong các buổi biểu diễn văn nghệ. Du khách còn có thể cảm nhận được điều đó qua từng thanh âm của đàn đá, đàn Chapi, qua lễ Mừng lúa mới hay những ché rượu cần. Ngoài trải nghiệm nét văn hóa Raglai, du khách còn được tham gia những trò chơi dân gian, cùng hòa mình vào những điệu múa sạp, hay hoài niệm với những ông đồ xưa… Thêm một dịch vụ, một trò chơi, một hoạt động giải trí là thu hút thêm nhiều lượt khách đến với khu du lịch. Trong khi đó, tạo dựng một sản phẩm văn hóa là tạo dựng hình ảnh độc đáo, những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách sau một chuyến du lịch tại Nha Trang-Khánh Hòa.

 

Du lịch văn hóa đang cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình du lịch tự nhiên, du lịch dựa trên nguồn vốn văn hóa sẵn có của địa phương. Sản phẩm này kinh tế vì không phải tốn quá nhiều kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chỉ có điều phụ thuộc vào khả năng khai thác, cách làm du lịch kết hợp với văn hóa của đơn vị kinh doanh. Du lịch văn hóa có thể không mang lại lợi nhuận lớn trước mắt nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị cộng đồng. Vì thế, hiệu quả quảng bá hình ảnh về một đất nước, một địa phương, một dân tộc, một điểm đến lại là rất cao. Thành công trong quảng bá sẽ là bước phát triển bền vững, chiến lược của một ngành du lịch./.

Nguồn: ktv.org.vn

Cùng chuyên mục