Nét văn hoá và các hoạt động ấn tượng của chợ vùng cao
Xuống chợ, có người phải đi từ ngày hôm trước, rồi đến ngủ nhờ nhà người quen ở gần chợ để sớm hôm sau kịp ra chợ. Vùng cao, hình ảnh người dân dắt ngựa, đeo gùi đi chợ từ 3, 4 giờ sáng và đến 4, 5 giờ chiều mới về đến nhà là chuyện rất bình thường.
Quanh năm cực nhọc, người vùng cao coi chợ là nơi để có thể giải toả sau những ngày tháng vất vả. Đến chợ, từ người già đến con trẻ đều muốn diện những bộ quần áo đẹp nhất. Xuống chợ không chỉ đơn thuần là mua, bán, trao đổi hàng hoá mà quan trọng là được đi chơi chợ. Vì thế, phụ nữ thường dừng lại ở bên đường, bên khe suối hay một gốc cây to nào đó, giở gương, lược ra trang điểm lại cho sắc đẹp của mình rồi mới vào chợ.
Chợ vùng cao Hà Giang thường họp vào cuối tuần, thứ 6, 7 và chủ nhật. Tất cả các huyện đều có chợ trung tâm được họp vào cuối tuần, thu hút đông đảo người dân từ khắp các ngả xuống chợ. Nhiều xã của vùng cao, từ 2 – 3 xã thường tổ chức được một chợ trung tâm nên thu hút rất đông người đến chợ. Vì thế, đã dần hình thành nên những chợ nổi tiếng như chợ Quyết Tiến, chợ Đông Hà (Quản Bạ), chợ Xà Phìn (Đồng Văn)…
Quan sát từ trên cao, chợ phiên bừng sáng sắc màu trang phục các dân tộc như một bông hoa khổng lồ. Đến chợ, sự trao đổi hàng hoá giữa các dân tộc diễn ra bình đẳng. Ngày chợ, từ khắp các ngả, người, ngựa cứ lục tục kéo xuống chợ. Trước đây, khi chưa có nhiều phương tiện vận chuyển như ô tô, xe máy, người vùng cao thường dùng ngựa để đi chợ, thồ hàng...,người ta thường dành riêng một bãi để nhốt, buộc ngựa. Ngày nay, ở chợ vùng cao những con ngựa vẫn được duy trì song song với những “con ngựa sắt” (xe máy) thể hiện bước phát triển mới. Vào chợ vùng cao, ta có thể bắt gặp hình ảnh người dân vòng dây xung quanh một chú lợn, dê to đùng và cõng trên lưng hoặc xách tay trông rất ngộ nghĩnh, người ta thường gọi đùa là lợn, gà… “cắp nách”.
Chợ vùng cao là nơi thể hiện diện mạo KT - XH, những giá trị văn hoá của địa phương. Hàng hoá có đủ từ sản vật, ngũ cốc, thực phẩm, rau cỏ, quần áo, nông cụ, vật nuôi, cây trồng… Cuộc sống chưa bị thương mại hoá nhiều nên chợ vùng cao còn giữ được những nét thuần phác, người bán đa phần chỉ bán những sản phẩm tự làm ra. Nói giá sao thì bán vậy, khi cân đo, đong đếm bạn sẽ nhận được phần “tươi tỉnh” một cách hết sức thoải mái.
Xuống chợ, đàn bà thường chịu trách nhiệm trao đổi, mua sắm nhu yếu phẩm cho gia đình. Còn đàn ông, điều thích thú nhất chính là việc cùng nhau quây quần bên nồi thắng cố, cùng nhâm nhi những bát rượu ngô, rượu sắn để cùng tâm tình về chuyện gia đình, làm ăn, chuyện anh em, bè bạn... Và ở góc chợ, vài đôi trai gái e thẹn tâm tình, mặc kệ chợ đang diễn ra sôi nổi.
Đến với chợ vùng cao, ta có thể tìm mua được những mặt hàng đặc sản của địa phương như mật ong bạc hà, tam thất, ấu tẩu, chè shan, rượu ngô, rượu thóc, đôi khi còn có cả những người đem bán những con dúi béo núc hay những con chim họa mi, những con bìm bịp, tắc kè, những bó rau rừng ngon và lạ miệng... Nếu là một cô gái, bạn không thể không dừng bước trước một vài hàng thêu lanh, thổ cẩm với những hoa văn lạ mắt.
Những năm gần đây, ở Mèo Vạc hình thành chợ bò song song với chợ phiên của huyện. Phiên chợ nào cũng tấp nập người đem bò đến vừa để bán, vừa để chơi chợ, khoe những chú bò béo núc của cao nguyên đá. Mỗi phiên chợ, người từ các xã đem đến hàng trăm con bò, hình thành một chợ kinh doanh bò nổi tiếng không chỉ của tỉnh Hà Giang mà còn trong cả nước. Phiên chợ nào cũng có thương lái dưới xuôi lên mua. Thương hiệu bò Hà Giang ngày càng nổi tiếng vì chất lượng thơm, ngon, thuần khiết và nghe nói có một vài nhà hàng ở dưới xuôi đã quảng bá thịt bò của quán mình là thịt bò Hà Giang...
Đến với Mèo Vạc, ai mà không biết có một chợ tình Khâu Vai được tổ chức vào ngày 27.3 âm lịch hàng năm. Chợ diễn ra trong 1 ngày đêm, trai gái, già trẻ từ khắp nơi đổ về đây, người ta đến chợ không phải vì mục đích buôn bán mà để gặp gỡ nhau. Những người già thì tâm tình về chuyện ngày xưa, còn những người trẻ thì coi đây là cơ hội để thêu dệt tình yêu đôi lứa.
Chợ của vùng cao không đơn thuần là nơi mua bán, trao đổi, mà còn có thêm phần giao lưu, giải trí. Người vùng cao rất biết giữ gìn truyền thống đồng thời không thiếu sự lãng mạn. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã hình thành nên loại hình “văn nghệ tại chợ”. Ai cũng có thể được hát, được thổi khèn, thổi sáo, hát giao duyên... miễn là có lòng nhiệt tình. Từ sinh hoạt “văn nghệ chợ”, xuất hiện những người có năng khiếu văn nghệ được tuyển vào đội văn nghệ của huyện.
Thoát khỏi cuộc sống ồn ào nơi đô hội, hãy đến với chợ vùng cao để được hoà mình vào không gian dân dã, hồn nhiên. Vào chợ, uống một bát rượu ngô để máu nóng chảy khắp cơ thể, giúp cho lòng mình dũng cảm hơn, ngắm những sơn nữ má đỏ hồng hào và cầm tay một cô gái cùng bước lên hát trước đám đông cho đến xế chiều. Xuống chợ, ngấm cái tình của người vùng cao rồi, khi ấy bạn sẽ không muốn về.