Hoạt động của ngành

Đà Nẵng: Giới thiệu 161 cổ vật Chăm

Cập nhật: 06/09/2014 11:16:13
Số lần đọc: 1839
Ngày 4/9, tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã diễn ra buổi giới thiệu khai quật khu di tích khảo cổ Quá Giáng.

Qua hai tháng làm việc, đoàn khai quật đã tìm thấy nhiều cổ vật của người Chăm tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau khi được đào, xúc và quét dọn, đoàn khảo cổ thu được 161 hiện vật, mảnh hiện vật có giá trị. Tất cả những cổ vật trên đều mang bản sắc văn hóa tín ngưỡng của người Chăm cách đây hơn 1000 năm về trước. Đặc biệt, dấu tích những viên gạch cổ với hình chạm khắc của người Chămpa xưa được xây chung với những viên gạch khác cho thấy người Chămpa xưa đã tận dụng vật liệu của một ngôi tháp cũ bị đổ để xây lên khu tháp này.

Ông Nguyễn Chiều - giảng viên khảo cổ học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng đây là cứ liệu chắc chắn giúp xác định niên đại của khu tháp này. Đặc sắc nhất là bậc tam cấp làm bằng đá nguyên khối, với bậc dưới cùng tạo thành hình sen rộng, được xem là bậc tam cấp đá nguyên khối lớn nhất và duy nhất được biết từ trước tới nay trong nghệ thuật điêu khắc đá Chăm.

Ngoài ra, trong quá trình khai quật còn phát hiện nhiều gạch điêu khắc trang trí của các công trình kiến trúc cũ được tái sử dụng; nhiều mảnh ngói Chăm có mũi hình tam giác và mũi hình tròn, gốm Gò Sành, gốm sứ Việt thế kỉ 17 - 18, gốm Trung Quốc từ thời Tống - Nguyên về sau, bậc tam cấp, đầu tượng thần Siva, 2 đầu tượng người cầu nguyện, 2 chóp tháp góc; 10 vật trang trí góc, 1 đế bệ thờ có kích thước lớn, 3 rảng đá kê bệ thờ và 1 mảnh bàn tay tượng...

Cũng theo nhận định của các nhà khảo cổ, thôn Quá Giáng trước kia là khu sinh sống sầm uất của người dân vương quốc Chăm, lại có địa hình gần sông nên rất có thể đây là nơi giao lưu buôn bán của nhiều tiểu thương, trung tâm văn hóa của Vương quốc Chămpa xưa./.

Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục