Hà Giang: Khai thác giá trị văn hóa xây dựng thương hiệu du lịch
Bên cạnh thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, Hà Giang còn có cả một kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng. Trước hết, phải kể đến những di tích khảo cổ, di tích lịch sử, các di tích lịch sử cách mạng như căng Bắc Mê, Tiểu khu Trọng Con; Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh nhà Vương nằm tại huyện Đồng Văn, thuộc địa phận xã Sà Phìn mô phỏng theo kiến trúc cổ Trung Hoa (đời Mãn Thanh) với những đường cong nét lượn, trạm trổ tinh xảo.
Hà Giang là vùng đất có gần 20 dân tộc đang sinh sống, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng vô cùng độc đáo, thể hiện đậm nét nhất thông qua hệ thống lễ hội, như: lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ mừng nhà mới của dân tộc Lô Lô, lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ hội Gàu tào của dân tộc Mông... được nhảy, múa những làn điệu Sli, lượn, cọi, được hoà trong tiếng khèn Mông réo rắt, dập dìu.... Đặc biệt là sức hấp dẫn của chợ tình Khau Vai - “chợ tình Phong Lưu, đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh.
Dựa trên những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, đặc sắc về văn hóa bản địa, tỉnh Hà Giang vừa xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến năm 2020 định hướng năm 2030, trong đó xác định lấy văn hóa làm nền tảng tạo thương hiệu cho du lịch.
Quy hoạch nêu rõ: Phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm và bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị tự nhiên, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; Phát triển đồng thời du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch biên giới với việc lấy du lịch sinh thái gắn với các giá trị di sản Công viện địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn làm mũi nhọn, du lịch văn hóa sẽ làm nền tảng để phát huy tính đặc thù tài nguyên du lịch theo địa bàn của tỉnh; Phát triển du lịch vừa truyền thống vừa hiện đại để vừa phát huy các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc vừa nhanh chóng hòa nhập với phát triển du lịch khu vực và cả nước.
Các hoạt động du lịch cũng cần hướng đến mục tiêu góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các giá trị di tích cảnh quan, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần nhân dân, cải thiện điều kiện sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa…
Dựa trên những thế mạnh về tài nguyên du lịch, Hà Giang cũng xác định tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng như: Du lịch địa chất, du lịch cộng đồng gắn với các bản dân tộc, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch thương mại cửa khẩu biên giới… Bên cạnh đó phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản từ tự nhiên và ẩm thực.
Trong giai đoạn phát triển đến năm 2020, du lịch Hà Giang cần định hướng kết nối khai thác phát triển theo tuyến du lịch với các di sản thế giới của Việt Nam. Trước mắt khai thác tuyến du lịch địa chất: Đồng Văn (Hà Giang) - Hạ Long (Quảng Ninh) – Tràng An (Ninh Bình).
Bản Quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, công tác bảo vệ, tôn tạo và khai thác hợp lý tài nguyên du lịch tỉnh Hà Giang. Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Hà Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế chung, đồng thời là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân./.