Quảng Ninh: Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt – Khu di tích nhà Trần
Vườn tháp cổ chùa Quỳnh Lâm
Khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) là quần thể di tích lăng mộ, đền, chùa, am tháp của nhà Trần trên vùng đất An Sinh cổ xưa với 14 di tích trải rộng trên 4 xã An Sinh, Tràng An, Thủy An và Bình Khê của huyện Đông Triều với diện tích 2.206ha…đã tạo ra vùng thánh địa linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá đặc sắc của nhà Trần.
Theo các nhà nghiên cứu sử học, nếu xét về quê hương, nhà Trần có 3 nơi, thứ nhất là Dương Trạch ở An Sinh, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), thứ hai là Dương trạch ở Tức Mặc (Nam Định), thứ ba là Âm phần ở Thái Đường (Thái Bình). Trong 3 nơi này, nơi quan trọng nhất là An Sinh, huyện Đông Triều vì ở đây có Thái miếu-nơi thờ cúng cả hoàng tộc, đền thờ cùng hệ thống lăng, mộ các vua Trần… Đền Thái-Thái miếu nhà Trần toạ lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc 2, xã An Sinh. Hiện nay ngôi đền chỉ còn là phế tích. Đền cách lăng vua Trần Hiến Tông khoảng 200m về phía đông, cách lăng vua Trần Anh Tông khoảng 500m về phía nam. Đứng từ đền Thái nhìn về phía Nam thấy được gác chuông chùa Quỳnh Lâm, quần thể đền Sinh cùng làng mạc và cánh đồng của nhân dân xã An Sinh…
Đền An Sinh-nơi thờ 8 vua Trần đặt lăng mộ tại xã An Sinh. Đền và lăng mộ 8 vua Trần tại quê gốc xã An Sinh là trung tâm văn hoá tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Lăng mộ vua Trần Anh Tông, vua thứ 4 đời Trần là lăng vua đầu tiên xây năm 1320 trên quê gốc Đông Triều.
Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc tại xã Tràng An được xây dựng từ thời Lý, năm Long Thụy Thái bình thứ tư (1057) đời vua Lý Thánh Tông. Chùa được xây dựng ở thế đất "rồng chầu, hổ phục”. Thế kỷ XIV, chùa Quỳnh Lâm là nơi đào tạo tăng tài lớn nhất của Thiền phái Trúc Lâm thế kỷ XIV. Xá lỵ của Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông được tôn trí trong 2 bảo tháp tại chùa. Vườn tháp chùa Quỳnh Lâm và tháp đá mộ các thiền sư có kiến trúc độc đáo, một di sản văn hóa tiêu biểu không chỉ của tỉnh Quảng Ninh mà là của Việt Nam.
Những giá trị vật thể và phi vật thể của Thiền phái Trúc Lâm và nhà Trần đã và đang được đầu tư, tu bổ, tôn tạo để tạo các điểm tham quan du lịch hấp dẫn, các điểm du lịch tâm linh cuốn hút nhân dân cả nước và du khách muôn phương hàng năm hội tụ về bằng tấm lòng thành kính Đức vua-Phật hoàng của dân tộc./.