Tuyên Quang: Tạo sức sống mới cho phát triển du lịch
Đặc biệt, năm 2014, với sự vào cuộc của tỉnh, quy mô của đêm Trung thu đã vươn tầm quốc gia, thu hút được sự quan tâm của đông đảo báo giới, nhân dân trong nước và quốc tế. Việc tổ chức lễ hội đã cho thấy tỉnh đang có bước đi đúng hướng, tạo sức sống mới cho phát triển du lịch.
Lễ hội nhiều cảm xúc
Còn nhớ, khoảng năm 2004, khi mà một số người dân ở thành phố Tuyên Quang bắt đầu đua nhau làm những chiếc đèn ông sao, mô hình con giống lớn hơn bình thường để tăng thêm sự hãnh diện của con cái họ với bạn bè. Năm 2004, “nghệ nhân” Phạm Ngọc Toán ở tổ 5, phường Tân Quang đã có ý tưởng làm những mô hình con giống khổng lồ để cho trẻ em rước trong đêm Trung thu. Ý tưởng đã được bà con trong tổ hưởng ứng nhiệt tình và góp tiền thực hiện. Vậy là những nhân vật trong truyện cổ tích bỗng chốc đã “bước” ra hiện thực trước sự ngỡ ngàng của người lớn và niềm vui sướng của trẻ nhỏ. Một loạt những mô hình đã được thực hiện với cái tên như “Anh hùng tương ngộ”, “12 con giáp”, “Trí khôn của ta đây”, “Đám cưới chuột”… Đặc biệt, năm 2006, mô hình “Đám cưới chuột” với chiều dài hàng chục mét đã thu hút rất đông người đến xem, làm tắc nghẽn một quãng đường.
Từ đó đến nay, phong trào làm những mô hình đèn Trung thu “khủng” đã lan rộng khắp các tổ dân phố, thôn, xóm trong thành phố. Từ khoảng gần 20 mô hình được làm trong những năm đầu, cho đến nay, con số đã lên đến gần 90 mô hình. Nhận thức được đây là một trong những yếu tố rất hiệu quả để thu hút khách du lịch đến với tỉnh, từ năm 2008, thành phố Tuyên Quang đã tổ chức thi mô hình đẹp. Để có những mô hình con giống hoành tráng diễn diễu trong đêm Trung thu, ngoài sự đóng góp của các gia đình còn có sự vào cuộc của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Gần chục năm nay, ông Nguyễn Ngọc Văn, tổ 27, phường Minh Xuân chủ Nhà hàng Sông Lô cá được nhiều người biết đến là chủ nhân nhiều mô hình Trung thu độc đáo. Ngay từ những năm 2001 đến 2008, ông tự bỏ kinh phí, công sức để xây dựng mô hình. Trung thu năm nay, ông đóng góp 5 triệu đồng và hệ thống loa đài, ánh sáng cho tổ thực hiện mô hình. Trên địa bàn phường Phan Thiết có 20 đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ số tiền hơn 40 triệu đồng làm các mô hình. Tiêu biểu là Công ty TNHH Thanh Giang, tổ 24; Nhà hàng Nam Nga, tổ 34, mỗi đơn vị ủng hộ 3 triệu đồng...
Lễ hội năm nay được nâng lên lễ hội cấp tỉnh, mang tên là Lễ hội Thành Tuyên từ nay trở về sau. Đêm khai mạc Lễ hội Thành Tuyên diễn ra đơn giản nhưng vô cùng hoành tráng. Sân khấu ngoài trời được thiết kế bởi đơn vị chuyên nghiệp với việc bố trí hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại đã tạo ra hiệu ứng nghệ thuật cho người xem. Những màn biểu diễn văn hóa văn nghệ dân tộc của các nước bạn được xen kẽ những làn điệu then Tày, diễn xướng hát Páo dung của người Dao trong tỉnh đã giao thoa với nhau và làm nên một chương trình văn hóa đặc sắc. Bản trường ca “Sông Lô” hùng tráng của cố nhạc sỹ Văn Cao dưới sự trình bày của Nhệ sỹ nhân dân Quang Thọ trong buổi khai mạc đã một lần nữa khẳng định và giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị lịch sử mà mảnh đất Tuyên Quang đã và đang lưu giữ. Lễ hội thực sự là một cơ hội để tỉnh quảng bá những tiềm năng du lịch, nhất là sản phẩm du lịch độc đáo mà Tuyên Quang đang có.
Để tránh lãng phí những khoản đóng góp của các hộ dân làm mô hình, thành phố Tuyên Quang đã tạo điều kiện cho các tổ, thôn, xóm rước mô hình trước Trung thu cả chục ngày, hình thành một không gian vui chơi hấp dẫn. Chính vì thế mà trong những ngày đó, trên khắp các đường phố của thành phố Tuyên Quang, từng dòng người cả khách nước ngoài, tỉnh bạn tấp nập cùng chiêm ngưỡng theo các mô hình Trung thu khổng lồ, tạo nên một không khí náo nhiệt chưa từng có.
Cuộc thi Người đẹp Xứ Tuyên năm 2014 kết thúc trong sự hân hoan của thí sinh và du khách trong, ngoài tỉnh và bạn bè quốc tế. Vẻ đẹp của những thí sinh dự thi năm nay đã tô điểm thêm cho nét đẹp của con gái Tuyên Quang, một “thương hiệu” đã đi vào tiềm thức của người dân cả nước.
Người dân hưởng lợi
Mỗi năm mới có một lần tổ chức, nên thành phố Tuyên Quang đã đón một lượng khách kỷ lục từ trước đến nay. Trong năm 2013, thành phố đón khoảng 5 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú tại các dịch vụ khách sạn, nhà hàng khoảng trên 1 nghìn lượt. Ước tính Trung thu năm nay, lượng khách tăng lên gấp rưỡi năm ngoái.
Ngoài các dịch vụ lưu trú thì dịch vụ ăn uống cũng được dịp để tăng việc làm và doanh thu. Theo quan sát trong khoảng 1 tuần lễ trước khi chính thức khai mạc lễ hội, những nhà hàng và quán ăn trên địa bàn thành phố hầu như chật kín. Trên đường Bình Thuận - trục đường chính tập trung nhiều mô hình rước qua, các hàng ăn sáng luôn quá tải. Tối đến, nhiều quán nước giải khát phải tăng thêm lượng bàn ghế để phục vụ khách.
Bên cạnh đó, các dịch vụ vận tải hành khách, xe taxi, xe ôm… cũng được dịp tăng thu nhập. Anh Hoàng Văn Hải làm nghề chở xe ôm ở thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường chia sẻ, bình thường anh hay đón khách và chở hàng thuê ở khu vực chợ Tam Cờ, mỗi ngày kiếm được 3-4 trăm nghìn đồng. Nhưng những ngày này anh chuyển địa điểm vào trung tâm thành phố để đón khách. Có ngày anh thu hơn 2 triệu đồng. Đây là một khoản thu lớn mà mỗi năm chỉ đến một lần với anh.
Điều được nhiều người dân xem hội Trung thu năm nay ghi nhận, đó là sự đổi mới trong tổ chức. Ngoài hoạt động chính được tổ chức giống mọi năm là rước mô hình, thì nhiều hoạt động phụ trợ khác cũng được diễn ra cả ban ngày. Du khách đã có nhiều hơn những cơ hội để đắm mình trong không gian văn hóa độc đáo và hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Đây có thể coi là bước đổi mới mang đến thành công và làm tiền đề cho cách tổ chức lễ hội những năm sau./.