Khám phá quần thể danh thắng Hòn Chông, Kiên Giang
* Danh Lam Cổ Tự Chùa Hang
Chùa Hang nằm trong ruột núi đá thâm u, mờ ảo, có tên chữ là Hải Sơn Tự. Người ta kể rằng: Công chúa Ngọc Tuyền là em gái chúa Nguyễn Ánh, đã mất tại đây. Đê tưởng nhớ người em gái của mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng nên gọi là chùa Hang. Hải Sơn nằm sát bờ, ngọn cao chót vót, vách dựng đứng, sừng sững như một hải vọng đài, chân núi quanh năm được sóng biển vỗ về.
Trước sân chùa hang thờ Phật Di Lặc được tạc bằng đá Non Nước nặng tới 22 tấn. Có nhiều cây cổ thụ đứng ở lưng chừng núi, rủ xuống không gian những chùm rễ dài lơ lửng. Chính điện Chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục Đông Bắc –Tây Nam dài hơn 50 mét, cửa động sau nhìn ra biển. Căn cứ vào diêm hào và vỏ các loài nhuyễn thể còn bám dính trên các khe đá, các nhà khoa học đã phỏng đoán, vài vạn năm trước, núi Chùa Hang nằm dưới mực nước biển.
Trong động có nhiều thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ. Nếu gõ vào các thạch nhũ âm thanh ngân lên như tiếng chuông vì vậy người ta gọi là đá chuông. Trong động còn có Hang Kim Cương, tương truyền có “đường lên trời”. Hang Phật Ngủ nửa tối nửa sáng với tảng đá hình Phật nằm dài. Động sâu thăm thẳm, những tượng Phật ẩn hiện trong hang tạo cảm giác tôn nghiêm huyền bí. Từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển, chỗ hẹp nhất cũng vừa khoảng 3-4 người đi lọt. Đường hang nhỏ và thẳng. Đi hơn 10 phút theo lòng hang ngoằn nghèo trong ruột núi, bạn sẽ “nghe” những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi, tiếp đó là một khoảng sáng lòa ra trước mặt. Tiếp tục đi thẳng khoảng 60 mét sẽ nhìn thấy Hòn Phụ Tử. Bước xuống bờ cát mịn, khách sẽ được hòa mình trong nắng, gió của biển khơi. Hằng năm, Chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng kéo dài từ ngày mùng 8 đến ngày 15 tháng 4 âm lịch.
* Hòn Phụ Tử
Từ Chùa Hang, khách có thể ra thăm Hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Trước đây, Hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn lớn cao chừng 33,6 mét được hình dung là cha và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9 mét là con. Hai khối đá nối với nhau bằng một về đá cao hơn mặt nước biển khoảng 5 mét. Người Khmer ở đây còn gọi Hòn Phụ Tử là Phnum-đong-tông nghĩa là “Núi cột cờ”. Sự kiện Hòn Phụ bị đổ ngày 9-8-2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh quốc gia nổi tiếng ở phía Nam và là biểu tượng của du lịch Kiên Giang, có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động du lịch khu vực này.
Hai bên Hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển. Nhìn ra xa, khách sẽ thấy nhiều đảo xanh nhấp nhô trên biển bạc, bao la ngút tận chân trời. Núi Phụ Tử và chùa Hang tạo thành cái eo biển nhỏ ghe tàu đi lại dễ dàng để vào neo đậu. Nước biển xanh ngắt. Thiên nhiên khéo tạo cho Kiên Giang một cảnh quan kỳ thú. Có người ví phong cảnh Hòn Chông là “Vịnh Hạ Long của Phương Nam”.
* Thắng cảnh Bãi Dương
Bãi Dương nằm trong quần thể danh thắng Hòn Chông, là một bãi biển quyến rũ. Bờ biển Bãi Dương chạy dài khoảng hai cây số, một nửa bãi có hàng cây dương xanh và nửa bãi kia thì có cây dầu cổ thụ nên người địa phương gọi khu vực này là Bãi Dương và Bãi Dầu. Phía trước Bãi Dương có đảo Kiến Vàng cách bờ khoảng 500 mét án ngữ trước mặt.
Dưới nắng vàng rực rỡ, Bãi Dương và Bãi Dầu chạy theo hình vòng cung ôm lấy biển, bãi cát trắng mịn màng nằm giữa hai màu xanh, nước biển xanh lơ và hàng cây hai bên rì rầm trong gió biển. Bãi tắm là bãi cát mịn màng không hề pha sỏi đá. Đây là vùng biển nông, sóng nhỏ, bãi tắm kín đáo bởi hàng cây và rừng cây tạp như bức rèm ngăn cách với đường xe chạy.