Hoạt động của ngành

Đồng Tháp: Bộ sưu tập vàng văn hóa Óc Eo-Gò Tháp lập kỷ lục Việt Nam

Cập nhật: 26/11/2014 08:57:25
Số lần đọc: 1762
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp cho biết bộ sưu tập 49 hiện vật vàng được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ tại Di tích quốc gia đặt biệt khảo cổ - Kiến trúc Nghệ thuật Gò Tháp, thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công bố và trao Bằng xác lập kỷ lục về “Bộ sưu tập vàng Văn hóa Óc Eo - Gò Tháp nhiều nhất Việt Nam.”

Đây là bộ sưu tập vàng nhiều nhất về số lượng, phong phú về hình dáng và nội dung nghệ thuật chạm khắc… phản ánh đậm nét về đời sống vật chất và tinh thần, tín ngưỡng, tôn giáo của cư dân Văn hóa Óc Eo.

Trên mỗi lá vàng chạm khắc hình thần Vishnu, bò thần Nandin, lợn thần Vahara, chim thần Garuda, rắn thần Shesha, rùa thần Kurma, bánh xe Chakra, ốc Sankha, đinh ba, hình trăng khuyết, hoa sen, hoa súng.

Ngoài ra, bộ sưu tập còn có nhiều đồ trang sức như nhẫn, khuyên tai và sợi dây vàng có trọng lượng 16 chỉ, 8 phân, 51 ly có niên đại từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau công nguyên. Bộ sưu tập vàng có giá trị khoa học và văn hóa nghệ thuật cao, là hiện vật gốc tiêu biểu, độc bản.

Bộ sưu tập hiện vật vàng đặc biệt quý hiếm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Hiện nay Bảo tàng Đồng Tháp lưu giữ trên 27.000 tài liệu, hình ảnh, hiện vật gồm nhiều chất liệu khác nhau như giấy, vải, kim loại, đá, gỗ, gốm, các bộ sưu tập hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa (trong 27.000 hiện vật có gần 18.000 hiện vật là mảnh gốm thu được qua các đợt khai quật khảo cổ).

Trong số đó, Bảo tàng sử dụng gần 2.000 hiện vật gốc để phục vụ công tác trưng bày cố định, số hiện vật còn lại phục vụ công tác trưng bày chuyên đề, triển lãm lưu động và công tác nghiên cứu khoa học.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết sắp tới, Sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của đơn vị để giới thiệu nội dung hoạt động của Bảo tàng; giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa của địa phương, đặc biệt là công tác quảng bá bảo vật quốc gia, các bộ sưu tập cổ vật, các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa để thu hút công chúng đến tham quan.

Bảo tàng tỉnh tăng cường tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng và các địa phương, nhất là tại các điểm trường học để giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị của các bộ sưu tập hiện vật đang lưu giữ./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục