Hoạt động của ngành

Cây di sản Việt Nam trên nghìn năm tuổi ở Lào Cai

Cập nhật: 26/11/2014 10:29:21
Số lần đọc: 1789
Ngày 25/11, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Bắc Hà tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận cây Nghiến tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là cây di sản Việt Nam.


 Lễ công bố Quyết định công nhận cây Nghiến tại xã Cốc Ly
huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai là cây di sản Việt Nam

Cốc Ly là xã vùng cao phía Tây Nam của huyện Bắc Hà cách trung tâm huyện 23 km, có diện tích đất tự nhiên 5.281 ha; có độ cao bình quân 600 m so với mực nước biển. Đây là xã miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Dao, Mông, Tày, Nùng,... Xã có hệ thực vật rừng rất phong phú và đa dạng, ngoài các loài thực vật thông thường còn có một số loài quý hiếm như Nghiến, Trai lý, Lát hoa, Đinh… do trước đây bị khai thác quá mức nên hiện nay các loài cây như: Lát hoa, Đinh số lượng còn rất ít, chỉ còn lại loài Nghiến, Trai.

Xã Cốc Ly có tới 648 cá thể cây Nghiến, Trai trong đó có nhiều cây có đường kính từ trên 2m trở lên. Cây Nghiến được đề nghị công nhận cây di sản Việt Nam thuộc quần thể 231 cây Nghiến, Trai tại thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly. Cây có chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 9,6m; đường kính thân cây tại vị trí 1,3m là 3,1m; chiều cao cây khoảng 45m. Tuổi của cây Nghiến trên 1000 năm tuổi.

Sau lễ trao bằng công nhận cây di sản Việt Nam, già làng Bàn Văn An thay mặt cộng đồng địa phương hứa sẽ giáo dục con cháu chăm sóc, bảo vệ rừng và cây di sản Việt Nam.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai Cao Đức Hải đánh giá đây là hướng mới để địa phương khai thác triệt để, xây dựng phát triển du lịch sinh thái gắn với giới thiệu đời sống văn hóa, ửng xử của đồng bào Dao, Mông,... Hi vọng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam luôn đồng hành để huyện Bắc Hà và tỉnh Lào Cai phát huy tiềm năng đa dạng sinh học.

Thay mặt Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội đã cám ơn cộng đồng người Dao, Mông đã gìn giữ tập đoàn cây Nghiến nói riêng và bảo tồn nguồn gen quý hiếm của xã Cốc Ly nói chung./.
Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục