Đà Nẵng: Bảo tồn, phát huy quần thể di tích Chăm tại Phong Lệ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khảo sát tại khu di tích khảo cổ Phong Lệ. Ảnh: THANH TÂN
Theo đó, giao Sở VH-TT&DL phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan lập dự án khảo cổ, bảo tồn và phát huy quần thể di tích Chăm tại Phong Lệ trong mối quan hệ với những di tích lịch sử, văn hóa lân cận.
Qua khảo sát thực tế, quần thể di tích Chăm Phong Lệ hiện không còn cấu trúc nguyên vẹn trên mặt đất mà tồn tại ở dạng nền móng ẩn sâu dưới nhiều tầng đất. Đây là căn cứ để nghiên cứu và hình dung về toàn bộ kiến trúc khu đền tháp Chămpa có niên đại hơn 1.000 năm tuổi, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Tại hiện trường sáng 25/11, nền móng những tháp chính, tháp cổng, hố thiêng… sau hai đợt khai quật cách đây hơn 2 năm (đợt 1 tháng 4/2011 và đợt 2 tháng 6/2012) vẫn giữ được gần như nguyên trạng. Tuy nhiên, toàn bộ khu phế tích sau khi được khai quật khảo cổ đến nay chưa được xây tường bao, người ra vào khá tự do và các hố khai quật chỉ được bảo quản bằng những lều bạt, nắp đậy khá thô sơ.
Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhận định: “Đối với hệ thống phế tích tại Phong Lệ, nếu không có phương án bảo quản kịp thời thì có thể sang năm, hoặc sang năm nữa, chúng ta sẽ không còn gì. Vì vậy, dự án khảo cổ, bảo tồn và phát huy khu di tích cần sớm được xây dựng, hoàn chỉnh. Trước hết phải đẩy nhanh tiến độ các thủ tục giải tỏa, đền bù, thu hồi đất thuộc ranh giới bảo vệ khu di tích khảo cổ Phong Lệ (trên hơn 2.600m2), theo chủ trương của UBND thành phố đã có thông báo từ cuối tháng 3 năm nay”.
Có mặt tại buổi thực tế, ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho rằng, theo quan điểm bảo tồn, bảo tàng, khảo cổ học, không nhất thiết có di tích gì thì cũng khai quật và duy trì để phục vụ tham quan.
Ở Đà Nẵng, theo sơ đồ khảo sát, có đến 7 địa điểm di tích Chăm chính tại An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng và Xuân Dương cùng một số địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm… Tại các di tích này, chủ yếu chỉ thực hiện khai quật để nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và sau đó hoàn thổ, trả lại mặt bằng để sử dụng vào các mục đích dân sinh, phát triển xã hội.
Hiện nay, ngành văn hóa đề xuất chọn Phong Lệ là địa chỉ duy nhất để duy trì, bảo tồn các phát lộ khai quật khảo cổ, làm cơ sở cho hoạt động tham quan, nghiên cứu về lịch sử văn hóa địa phương. Điều thuận lợi là khu khảo cổ di tích Chăm Phong Lệ gắn với nhiều di tích lân cận của các thời kỳ sau Chămpa, lại ở địa thế cảnh quan đẹp, sông nước hữu tình, thuộc làng cổ Phong Lệ và gần các làng nghề truyền thống của Đà Nẵng… Vì vậy, có thể bảo tồn, phát huy khu di tích khi xây dựng thành một điểm du lịch văn hóa - lịch sử, giới thiệu sản phẩm các làng nghề truyền thống của Đà Nẵng./.