Yên Bái: Phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Mông
Bức tranh ấy thực sự đẹp hơn và hoàn hảo hơn khi kết hợp giữa cảnh sắc thiên nhiên và những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của đồng bào Mông nơi đây.
Nếu như ruộng bậc thang là một công trình kỳ vĩ về sức lao động sáng tạo thì nét văn hóa của đồng bào Mông như tô điểm, làm đẹp thêm con người nơi vùng cao đầy gian khó, vất vả này. Trải qua hàng trăm năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, người Mông Mù Cang Chải vẫn giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình và đóng góp vào tính đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Truyền thống đấu tranh ngoan cường được biểu hiện trong kho tàng văn hóa dân gian như truyện “Núi Vạ ký”, “Viên ngọc ước”, “Cồng trời”, “Bài ca đuổi giặc”.
Trong sinh hoạt cộng đồng, người già bao giờ cũng truyền cho thế hệ trẻ ý thức bảo vệ nòi giống. Kể cả trong lễ tang, điệu kèn tiến quân, đội hình đuổi giặc chạy quanh người đã khuất với ý nghĩa khi sống chiến đấu, bảo vệ dân tộc và lúc qua đời cũng vì dân tộc mà đấu tranh gìn giữ bản sắc. Người Mông cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác có tín ngưỡng đa nguyên và tín ngưỡng đó luôn hòa quyện với các lễ hội, tạo nên sắc thái độc đáo, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần.
Lễ hội của người Mông thường mang tính cộng đồng và giàu tính nhân văn, tinh thần thượng võ. Các lễ hội trong năm của người Mông phải kể tới lễ hội “Gầu tào” được tổ chức vào dịp lễ, tết, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, xua đuổi bệnh tật, rủi ro và đón một năm mới may mắn, người người có sức khỏe, cuộc sống yên vui; lễ “Nào cống” của cộng đồng làng, bản được tiến hành vào ngày Thìn tháng Giêng. Ngoài ra, còn có các trò chơi dân gian đậm bản sắc như “Tầu sừ” (còn gọi là lễ hội Đấm lưng)…
Trong lao động sản xuất, người Mông cần cù, thông minh, sáng tạo, tính tự chủ, tự quản khá cao. Vì vậy, họ đã sáng tạo ra nhiều loại sản phẩm phù hợp với quá trình thực tế lao động như: sản phẩm nghề rèn, bộ giống cây và con có giá trị kinh tế như gạo, gà đen, lợn đen, ngô nếp, rau cải, dưa chuột…
Ở lĩnh vực nào người Mông cũng có sản phẩm đạt chất lượng cao, mang đậm nét bản sắc tộc người. Dân tộc Mông là dân tộc rất yêu văn nghệ. Tiếng hát là lời nhắn gửi tâm tình, phương tiện biểu đạt quy ước, luật tục, lưu giữ truyền thống lịch sử dân tộc. Kho tàng văn hóa dân gian, truyện cổ, tục ngữ, ca dao của đồng bào rất đồ sộ, phản ánh toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của họ. Ngoài văn hóa phi vật thể như dân ca, đàn môi, kèn lá, khèn Mông, các nghi lễ dân tộc, tín ngưỡng, ẩm thực… người Mông còn có văn hóa vật thể độc đáo như kiến trúc nhà ở, trang phục, trang sức và nghề truyền thống hàm chứa nhiều giá trị văn hóa.
Đồng chí Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết: “Người Mông cư trú nơi đây được chia thành các nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Si (Mông Đỏ), Mông Đu (Mông Đen). Trong những năm qua, không gian văn hóa dân tộc Mông đã được gìn giữ và phát huy. Đến nay, toàn huyện có 40 đội văn nghệ quần chúng, 50 nhà văn hóa cấp xã và thôn, bản, tổ dân phố hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tổ chức 180 buổi trình diễn văn hóa, văn nghệ do diễn viên, nghệ nhân các bản biểu diễn; hai năm một lần tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông cùng các lễ hội, các bài hát dân ca, giao duyên, nhạc cụ dân tộc như khèn, nhị, sáo, đàn môi, kèn lá… đã thu hút nhiều nghệ nhân, diễn viên tham gia chất lượng ngày càng cao”.
Mặt khác, qua đánh giá thực trạng về văn hóa truyền thống của đồng bào Mông như: chữ viết, ngôn ngữ mẹ đẻ, các bài hát dân ca, giao duyên, trang phục, các môn thể thao dân tộc, lễ hội, một số tập tục trong đám cưới, đám tang… cho thấy, hiện nay, người Mông cơ bản đã có sự chuyển biến cả về ý thức và hành động. Đơn cử, đám tang trước đây tổ chức 7 đến 8 ngày, nay nhiều gia đình chỉ tổ chức từ 2 đến 3 ngày, nhiều dòng họ đã đưa người chết vào quan tài; tục thách cưới, cướp vợ, tổ chức lễ cưới dài ngày nay đã thu hẹp thời gian và giảm nhiều so với trước; các đội văn nghệ, các nghệ nhân múa khèn đôi, khèn đơn, hát giao duyên… tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng tại tỉnh, huyện đều đoạt giải cao.
Bên cạnh những nét văn hóa truyền thống rất đáng trân trọng, làm phong phú, đa dạng cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam thì văn hóa truyền thống của dân tộc Mông cũng có hạn chế nhất định: tính biệt lập, khép kín, có biểu hiện tự ti, một bộ phận người dân nhận thức chưa cao, quá trình khai thác tự nhiên thiếu kế hoạch, di cư tự do…
Trong thời kỳ hội nhập, cũng như các địa phương khác, bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt văn hóa dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đã bị mai một nhiều. Việc duy trì, phát huy, phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Mông như: tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục truyền thống tốt đẹp, các lễ hội, các môn thể thao dân tộc, các tác phẩm dân gian chưa được quan tâm sưu tầm, khôi phục và phát huy hiệu quả.
Các lễ hội mang nét đặc sắc riêng của đồng bào chưa được quan tâm phát huy như: lễ hội “Gầu tào”, lễ cúng cơm mới, lễ cưới, các bài hát, các điệu múa khèn, múa ô, các hoạt động thể dục thể thao. Một bộ phận thế hệ trẻ, thanh thiếu niên, học sinh người Mông chưa chú ý giữ gìn tiếng nói, trang phục dân tộc mình, cách làm và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, các trò chơi truyền thống…
Một số phong tục, tập quán đặc sắc riêng chưa được chú ý, giữ gìn, trao truyền cho thế hệ trẻ. Thủ tục trong cưới xin, ma chay vẫn còn bộc lộ sự lạc hậu, các nghi thức trong thời gian tổ chức đám tang diễn ra rườm rà, kéo dài và các gia đình phải mổ trâu, nếu không có phải đi vay mượn; một số gia đình vẫn còn tục phơi nắng người chết lâu ngoài trời gây mất vệ sinh, một số địa phương chưa quy hoạch nghĩa trang nên người dân còn tùy tiện chôn cất người chết vào những khu vực tùy thích; vẫn còn tục lệ thách cưới cao, tổ chức đình đám, kéo dài gây lãng phí; việc bảo tồn các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, rèn đúc công cụ lao động chưa được quan tâm... Các thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là tại khu dân cư còn thiếu cả số lượng và chất lượng, chưa đạt chuẩn quy định, nhiều điểm văn hóa khu dân cư chưa được đầu tư trang thiết bị…
Phát huy những truyền thống văn hóa đặc sắc và dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông, Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Việc xây dựng Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, làm cho văn hóa dân tộc Mông thêm đậm đà trong đời sống tinh thần của đồng bào; từng bước bổ sung thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, phấn đấu đến năm 2015, xây dựng nhà văn hóa cấp xã đạt 70%, thôn, bản đạt 50%; củng cố, xây dựng, phát huy nghề truyền thống như: cách làm các loại nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, xây dựng các đội văn nghệ, giữ gìn trang phục và trang sức của đồng bào; nghiên cứu, ứng dụng sản xuất một số mặt hàng lưu niệm có biểu trưng về bản sắc văn hóa và di tích, danh thắng của huyện, phục vụ cho các dịp lễ hội nhằm tăng cường quảng bá du lịch, sưu tầm, phục dựng các sản phẩm văn hóa phi vật thể, vật thể và tổ chức bảo tồn, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm tại các ngôi nhà mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông; bảo vệ, quản lý, chỉnh trang một số cảnh quan tự nhiên xen lẫn các công trình kiến trúc độc đáo ở khu vực có địa hình tự nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành phục vụ hoạt động thăm quan, thưởng ngoạn của du khách trong và ngoài nước như: khu Thác Mơ, bãi đá cổ tại Lao Chải, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo, tổ chức leo núi tại Púng Luông…
Vẻ đẹp của những “nấc thang vàng” ngang trời đã làm mê đắm lòng người. Biết bao khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến với Mù Cang Chải để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp “có một không hai” này. Những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mông được khôi phục, phát triển sẽ giúp Mù Cang Chải trở thành điểm du lịch hấp dẫn, để lại ấn tượng khó quên đối với du khách./.