Đà Nẵng: Triển lãm linh vật nghê, sư tử
Khách tham quan thích thú khám phá hình tượng nghê, sư tử trong văn hóa Việt. Ảnh: VGP/Mai Vy |
Sáng 12/12, tại Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Nam Định tổ chức triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam”.
Triển lãm trưng bày 56 hiện vật và 17 bản tạc họa sư tử, nghê cổ được trình bày theo lịch đại từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến thời Nguyễn thế kỉ XIX.
Các hiện vật được tạo tác phong phú từ chất liệu đá sa thạch, gốm, sành, đồng, gỗ… Hai linh vật này không chỉ được tạo tác và đặt tại các vị trí tôn nghiêm trong đền, chùa mà còn đi vào cuộc sống dân gian làm bát hương, lò đốt trầm, chân đèn, chậu cảnh… biến đổi theo từng thời kì lịch sử.
Con nghê cổ bằng gỗ lớn nhất hiện nay được tạc vào thế kỉ XVII, đặt tại đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa). Ảnh: VGP/Mai Vy |
Theo các nhà nghiên cứu, đặc trưng của nghê, nghê lai sư tử của Việt Nam là nghê thường được tạo tác thành một cặp, mang ý nghĩa phồn thực của tín ngưỡng thuần Việt. Nghê được đặt đứng chầu vào nhau, đầu vươn cao trang nghiêm nhưng vẫn hiền hòa nghinh đón, các đường văn trang trí thể hiện nền văn hóa lúa nước cầu mưa thuận gió hòa.
Khác với các linh vật ngoại lai, nghê và sư tử Việt thường thấp dưới 1,4m, không quá uy nghi, đồ sộ, thể hiện sự thân thiện, chào đón khách.
Triển lãm góp phần định hướng hình tượng nghê, sư tử thuần Việt cho cộng đồng cũng như trong giới nghệ nhân điêu khắc, nâng cao nhận thức sự khác biệt, trân trọng và tự hào với kho tàng di sản, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.