Thừa Thiên Huế: Cần sản phẩm du lịch bán được
Chưa thực sự hiệu quả
Theo ông Nguyễn Quốc Thành, với việc khai thác khách quốc tế, các DNLH của Thừa Thiên Huế còn gặp nhiều khó khăn, khó có năng lực vươn xa nên mới chỉ có thể hướng đến nguồn Thái Lan hoặc các nước gần trong khu vực Đông Nam Á.
Có ý kiến cho rằng lực lượng lữ hành của Thừa Thiên Huế nhiều nhưng chưa mạnh, ông nghĩ thế nào?
Đây là thực tế. Hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, có nhiều mối quan hệ tốt là điều quan trọng nhất, nhưng nhiều DNLH thành lập rồi lại không có được thế mạnh này nên hoạt động không bền vững. Cũng chính vì thế, các DNLH quốc tế chỉ có thể mạnh khi có các mối quan hệ trực tiếp với các công ty lữ hành nước ngoài để đưa khách đến Huế. Ở chúng ta, gần đây cũng có một số DNLH đang có nhiều mối quan hệ tốt nên cũng đang hoạt động có hiệu quả, nhưng nhìn tổng thể tại thời điểm hiện nay thì hoạt động lữ hành ở Thừa Thiên Huế chưa mạnh và hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông, lữ hành khó khăn như thế nào khi Thừa Thiên Huế chưa có đường bay thẳng quốc tế?
Thừa Thiên Huế nằm ở eo miền Trung, trong khi các sân bay quốc tế có đường bay thẳng nằm ở hai đầu đất nước. Chính vì vậy, các DNLH phải liên hệ với các công ty lữ hành ở hai đầu cầu mới có khách đưa về Huế, gọi là nối tour. Mà đã nối tour thì lợi nhuận không đáng kể, nếu không muốn nói là rất thấp. Gần đây, sân bay quốc tế Đà Nẵng đã bắt đầu đón những chuyến bay thẳng nên lữ hành của họ cũng đang mạnh lên. Chúng ta chưa có được điều đó.
Vậy nếu các DNLH liên kết với nhau thì sao?
Tôi thấy các DNLH chưa tự lo nổi cho mình thì khó mà liên kết được. Nhưng các DNLH cần liên kết lại để ổn định giá bán sản phẩm du lịch, hoặc để tạo ra một sản phẩm du lịch mới.
Phải biết khách cần gì
Ông đánh giá thế nào về sản phẩm du lịch của Huế hiện nay?
Việc mà lâu rồi và cũng đã nói nhiều rồi là sự phát triển sản phẩm du lịch của Thừa Thiên Huế còn chậm và nghèo nàn, chưa có sự bứt phá cũng như có sự đầu tư xứng đáng. Về lâu dài, tôi nghĩ đây cũng sẽ là vấn đề rất khó cho lữ hành của Thừa Thiên Huế. Hiện nay, việc tổ chức các sản phẩm du lịch của chúng ta còn yếu. Chẳng hạn như du lịch làng nghề, chúng ta vẫn đang giới thiệu sản phẩm theo hướng “giới thiệu cái mình có chứ không phải là cái khách cần”. Trong khi đó, bản thân các làng nghề lại chưa đủ năng lực kinh tế để tự đầu tư, cũng như tự vươn lên một cách mạnh mẽ.
Theo tôi, ở đây cần có sự liên kết giữa các DNLH với các điểm đến và có sự hỗ trợ cho các điểm đến trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch. Hơn ai hết các DNLH biết khách cần gì để mà đáp ứng.
Trong việc này, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch có vai trò như thế nào?
Đầu tư cho các sản phẩm du lịch là việc của các DNLH. Sở chỉ quản lý về mặt Nhà nước, “thổi còi”; đồng thời, vạch ra đường đi nước lại, như đưa ra các quy hoạch, cho các DNLH. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Sở VHTT&DL và ngay cả tỉnh cũng mới chỉ tập trung nhiều cho du lịch văn hoá lịch sử mà ít quan tâm đến các lĩnh vực khác.
Là người đứng đầu hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này, theo ông thì vấn đề quan trọng của ngành du lịch hiện nay là gì?
Điều quan trọng nhất của ngành du lịch là ý thức được việc mình nhắm vào thị trường nào, phải biết nhu cầu khách của thị trường đó đang cần gì và sự đầu tư phải có định hướng theo thị trường một cách cụ thể, chứ không phải ào ào theo kiểu thích gì làm nấy. Ngoài những sản phẩm du lịch đã là thế mạnh của địa phương, chúng ta còn có thế phát triển những sản phẩm du lịch đáp ứng theo nhu cầu của từng loại khách. Chẳng hạn, khách Thái Lan rất thích mua sắm những sản phẩm do Việt Nam, do Huế sản xuất, chúng ta đã đáp ứng được chưa? Hoặc khách Nhật, khách Hàn rất thích tắm khoáng nóng, chúng ta đã có gì để mời chào họ…
Theo tôi, muốn lữ hành mạnh thì việc đầu tiên là địa phương phải có những quy hoạch sản phẩm du lịch cụ thể, phát triển được nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng và đáp ứng được thị hiếu của du khách. Phải có những sản phẩm du lịch đáng giá thì lữ hành mới có cái để mà bán cho khách được./.
Thu Thủy