Phong trưng bày “Lễ hội văn hóa truyền thống của ngư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ” tại Khánh Hòa
Bên cạnh những phòng trưng bày chuyên đề như động đất, sóng thần; tem về các loài hải, thủy sản; các dụng cụ đánh bắt của ngư dân… Viện Hải dương học Nha Trang vừa đưa phòng trưng bày “Lễ hội văn hoá truyền thống của ngư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ” vào hoạt động.
Nằm ở tầng 2, thuộc khu bảo tàng, phòng trưng bày rộng khoảng 30m2, trưng bày các hoạt động của lễ hội Cầu Ngư (còn gọi là lễ tế Cá Ông). Bước vào phòng, du khách sẽ được hướng dẫn đến với các phần nghi lễ thông qua các hình ảnh trong các tấm áp phích, pano được treo theo từng chủ đề. Từ lễ Nghinh sắc (lễ khẩn báo và cầu xin Thần Nam Hải cho phép ngư dân được thỉnh các sắc Thần vua ban tặng cho ông Nam Hải và các vị thần linh về lăng để thờ cúng) đến lễ cúng nghinh Ông Sanh thuỷ lục (lễ thỉnh linh hồn Ông Nam Hải về lăng chứng giám, hưởng lễ, phù hộ độ trì cho ngư dân có mùa cá bội thu, tránh tai nạn trên biển); lễ Khai kinh thỉnh chư vị thủy thần và Tiền hiền (lễ chuyển lời thỉnh cầu từ trần gian lên thiên đàng thông quan vị Quan Xá); lễ thỉnh thập điện và cầu siêu cho chư vị hương linh; lễ phóng sinh; lễ phóng đăng; các trò chơi dân gian vùng biển như lắc thúng, đua thuyền, bơi lội…. Ngoài hình ảnh, phòng trưng bày còn xây dựng các mô hình tái hiện sống động các nghi thức của lễ hội Cầu Ngư. Đặc biệt, khu vực trưng bày bộ sưu tập các bài hát bá trạo, các bài văn cúng sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban cho các lăng thờ Ông Nam Hải thu hút nhiều du khách vì tính độc đáo của nó.
Ông Bùi Hồng Long - Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: “Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội lớn nhất của ngư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ và là một loại hình sinh hoạt văn hoá đặc biệt, một hình thái tổng hòa văn hoá truyền thống. Trong xu thế hội nhập hiện nay, loại hình này đang dần mai một, chính vì thế chúng tôi xây dựng phòng trưng bày với mong muốn tôn vinh và bảo tồn một nét văn hoá của ngư dân vùng biển Nam Trung Bộ. Ngoài mục đích làm phong phú thêm hoạt động của bảo tàng và giới thiệu đến du khách một loại hình văn hoá độc đáo, thông qua phòng trưng bày, chúng tôi muốn chuyển đến người xem bức thông điệp về bảo tồn các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của người dân Việt Nam nói chung và của ngư dân vùng ven biển nói riêng”.
Sự ra đời của phòng trưng bày “Lễ hội văn hoá truyền thống của ngư dân vùng ven biển Nam Trung Bộ” vừa góp phần làm phong phú thêm các điểm du lịch, vừa tôn vinh và bảo tồn nét văn hoá truyền thống của ngư dân vùng biển.