Đà Nẵng: Nâng tầm cho nghệ thuật múa
Hiện nay, tại Đà Nẵng, lực lượng diễn viên múa được phát triển thêm theo một số nhóm múa, đoàn múa mới ra đời, kể cả loại hình múa đương đại (hip hop). Hội Nghệ sĩ múa thành phố cũng đã mạnh dạn dàn dựng một số thể loại múa đỉnh cao và đã giới thiệu thành công một số tiết mục tham gia Liên hoan Múa ít người toàn quốc, đặc biệt là hai vở kịch múa “Huyền tích Ngũ Hành Sơn” và “Một thời và mãi mãi”. Đây là một bước tiến đáng mừng của nghệ thuật múa Đà Nẵng, chứng tỏ tiềm năng nghệ thuật múa của thành phố còn dồi dào, có thể tiến xa hơn nữa.
Tuy nhiên, đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ múa ở Đà Nẵng chưa có điều kiện thể hiện múa ở trình độ cao; thiếu người tâm huyết với nghề. Điều này một phần do nghề múa đòi hỏi quá trình đào tạo lâu dài, trong lúc thời gian hành nghề của nghệ sĩ múa lại ngắn nên cuộc sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn; đồng thời, chính sách đào tạo, bồi dưỡng diễn viên múa hầu như không có. Chính vì vậy, khi tham gia các cuộc thi tài năng nghệ thuật biểu diễn múa toàn quốc hay khu vực thì Đà Nẵng chưa có tác phẩm múa đoạt giải thưởng cao, chưa có sức hấp dẫn, thuyết phục khán giả.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật múa của thành phố Đà Nẵng trong tương lai, NSƯT Lê Huân, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng cho rằng: “Cần đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức nghệ thuật và trình độ của nghệ sĩ biểu diễn, hướng đến dàn dựng và biểu diễn các vở múa với quy mô lớn như kịch múa, thơ múa…”. Để làm được điều đó, theo NSƯT Lê Huân, trước hết phải xã hội hóa, huy động các nguồn lực để mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho diễn viên, biên đạo múa, mở các trại sáng tác, tổ chức liên hoan, hội diễn dành cho nghệ thuật múa…