Bắc Kạn: Du lịch cộng đồng gắn kết du khách và người dân
Đến Ba Bể, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của các tộc người Tày, Mông, Dao sinh sống tại 15 bản trong vườn quốc gia. Trong đó người Tày là tộc người sống tại đây lâu nhất, cũng là là tộc người đông nhất (chiếm 58%).
Người dân ở đây rất hiếu khách, chỉ cần ngỏ lời, bạn sẽ được mời về nhà, uống chén rượu ngô cay, nhấm nháp thịt heo mọi gác bếp. Hay hòa mình vào các làn điệu dân ca như hát then, si, lượn, múa khèn; các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... đã tạo sự hấp dẫn với du khách.
Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, cho biết người dân sống ven hồ Ba Bể đã có kinh nghiệm làm du lịch từ lâu, đặc biệt là dân tộc Tày.
Người dân ở các bản như bản Húa Tạng, Pác Ngòi trước đây hầu hết các hộ gia đình sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chài lưới, nên cuộc sống rất vất vả.
Trong vài năm trở lại đây lượng khách du lịch đến hồ Ba Bể thích kiểu du lịch cộng đồng và nghỉ tại nhà sàn của các gia đình nhiều hơn, nên để phục vụ khách du lịch được tốt hơn và tăng nguồn thu nhập của gia đình, các hộ đã mở rộng mô hình du lịch tại gia đình với nhiều loại dịch vụ từ ăn, nghỉ đến dẫn khách đi thăm quan các điểm du lịch trên Hồ Ba Bể hay lên rừng thăm bản người Dao để khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc.
Chúng tôi đến thăm gia đình Anh Triệu Văn Khuyến, bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, anh đang bận làm cơm cho đoàn du khách nước ngoài.
Anh Khuyến cho biết đoàn du khách nước ngoài gồm 5 người đến từ nước Anh, họ thích ăn những món đặc sản của vùng miền trên này như rau ngót rừng, rau bồ khai, rau dớn, cá chép hồ om dưa, tép chua… và họ thích ở nhà sàn, ngắm cảnh và khám và nét độc đáo của những bản làng ven hồ.
Gia đình anh cải tạo lại nhà sàn, ngăn ra làm 6 phòng để phục vụ du khách ngủ, nghỉ. Trung bình một tháng gia đình anh đón hơn 100 lượt khách, trừ các khoản chi phí anh cũng thu về trên 20 triệu đồng/tháng.
Bản Pác Ngòi hiện có 91 hộ, trong đó có gần 20 hộ đã xây dựng mô hình nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống cho khách du lịch ngay tại nhà.
Với dịch vụ này, nhiều gia đình trong thôn đã có nguồn thu nhập khá, xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp, mua sắm đầy đủ tiện nghi mở rộng dịch vụ phục vụ du khách.
Một số hộ gia đình còn đầu tư đóng thêm xuồng để chở khách đi thăm quan, thưởng ngoạn những vẻ đẹp kỳ vĩ trên Hồ Ba Bể…
Những hoạt động du lịch cộng đồng này bước đầu đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.
Chị Triệu Thị Mùi, bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, chia sẻ thời gian đầu chưa hiểu được nhu cầu, sở thích của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài nên cũng hơi bối rối, nhưng sau dần được tiếp xúc nhiều, được học hỏi, tập huấn nên cũng quen dần.
Họ ăn, ở nhà mình vì vậy mình phải nắm được sở thích, nhu cầu của họ. Việc đón tiếp, phục vụ và hướng dẫn những du khách nước ngoài giúp cho chúng tôi hiểu thêm được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của mỗi nước; thậm chí trau dồi thêm được vốn ngoại ngữ.
Không chỉ các dịch vụ ăn, nghỉ, tạo việc làm cho người dân nơi đây mà các đội văn nghệ của thôn, bản cũng có được nguồn thu nhập khá từ những đêm biểu diễn phục vụ du khách.
Hiện nay, xã Nam Mẫu có 4 đội văn nghệ thường xuyên phục vụ du khách khi họ có nhu cầu. Mỗi đội có từ 10 đến 20 người.
Trò chuyện với chúng tôi anh Triệu Duy Thủ, Đội trưởng đội văn nghệ thôn Pác Ngòi, cho biết được thành lập năm 2007 từ Dự án Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, từ đó đến nay Đội văn nghệ thôn Pác Ngòi luôn duy trì hoạt động biểu diễn phục vụ du khách.
Trung bình một tháng đội biểu diễn phục vụ từ 4 - 6 buổi, thu về gần chục triệu đồng. Với số tiền thu được đội đã đầu tư mua thêm trang phục, một số đạo cụ cần thiết, chi phí bảo dưỡng tăng âm, loa đài và bồi dưỡng cho anh, chị em trong đội.
Nhờ đó đã tạo thêm được việc làm, tăng thêm nguồn thu cho anh chị em, đồng thời duy trì và lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến tham quan du lịch tại địa phương.
Cùng giao lưu và xem đội văn nghệ biểu diễn, anh Nguyễn Quang Trung, du khách đến từ Hải Dương nhận xét: "Được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng với nhiều cảnh đẹp; lại được giao lưu, thưởng thức những làn điệu then, điệu múa mang bản sắc truyền thống của địa phương chúng tôi thấy rất vui và như thấy gần gũi, gắn kết với người dân nơi đây hơn".
Du khách đến với hồ Ba Bể, các bản làng ngoài việc ăn, ở các nhà sàn của người dân, nếu không đặt trước thì họ có thể tự nấu ăn hoặc thuê thuyền độc mộc tự chèo đi khám phá.
Anh Kerry John du khách đến từ Anh nói: "Thật thú vị khi được khám phá cảnh đẹp hồ Ba Bể và các bản làng ven hồ. Được thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, ngủ nhà sàn mang lại cho du khách cảm giác mới lạ, thư thái, dễ chịu. Đặc biệt người dân ở đây rất hiếu khách và dễ gần".
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Mẫu, du lịch đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân nơi đây. Qua đó người dân cũng được giao lưu học hỏi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Tuy vậy vì thiếu vốn, lại chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ phía cơ quan chức năng nên du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển, thu nhập của người làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên.
Đồng thời hình thức du lịch này hoàn toàn mang tính tự phát, chưa được đầu tư, chưa có quy mô và khoa học, chưa có sự quản lý, hướng dẫn của các cấp, ngành liên quan; người dân chưa có kỹ năng khai thác, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc để phát triển du lịch.
Loại hình homestay không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch ở Ba Bể nói riêng mà còn có tác động sâu sắc đến ngành du lịch ở Bắc Kạn nói chung.
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tăng cường giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của người dân bản địa và du khách; tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và du khách đến từ các vùng miền khác nhau. Giúp tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân, sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ, giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng người dân.
Ngoài ra nó còn tạo ra nguồn thu nhập cho người dân, tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình nghèo; góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.