Ðền Lư Giang - Hà Nội
"Nhĩ Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này"
Kim Ngưu, Tô Lịch bên này chảy từ phía tây xuống phía nam, cùng với Nhĩ Hà - sông Hồng uốn lượn bao quanh phía bắc và phía đông đã làm nên "tứ giác nước văn hóa" của vùng Kinh kỳ, Kẻ Chợ Thăng Long xưa.
Cũng như nhiều đình, đền, miếu ven sông nước ở mọi nơi, đền Lừ thờ thủy thần. Và cũng như mọi chốn đền miếu linh thiêng, đền Lừ thờ những người có công với dân, với nước.
Ðền Lư Giang thờ Thủy tinh Công chúa, thờ Ðức thánh Trần và những người tiếp nối truyền thống trung nghĩa, trí, dũng của ông.
Năm Canh Ngọ (1390), mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, Ðô tướng Trần Khát Chân đánh tan quân Chiêm xâm phạm Ðại Việt ở Hải Triều (vùng Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Sau chiến công này, ông được phong chức Thượng tướng quân, được phong tước hầu và ban thái ấp ở vùng Cổ Mai - Kẻ Mơ xưa, gồm cả Hoàng Mai, Tương Mai, Mai Ðộng ngày nay.
Thuở đất Kẻ Mơ còn hoang vu, Thượng tướng quân Trần Khát Chân đã có nhiều công gây dựng. Khoảng thời gian ông ở thái ấp Cổ Mai - Kẻ Mơ không dài, chưa tới mười năm, nhưng trong xây dựng kinh tế,
Trần Khát Chân cũng tỏ rõ tài năng của mình. Thái ấp của ông có khu vực sản xuất: khu trồng lúa, khu nuôi cá, có kho tàng, có bãi luyện quân...
Thái ấp Cổ Mai - Kẻ Mơ của Trần Khát Chân trở thành một nơi dân cư đông đúc, binh lương đầy đủ, một pháo đài kinh tế và quốc phòng đều vững mạnh - như cách nói của chúng ta ngày nay - trấn thủ ở cửa ngõ đông nam kinh thành Thăng Long.
Vùng đất Hoàng Mai xưa nổi tiếng có nhiều sản vật ngon: rượu Mơ, cải Mơ, cà pháo... lại càng thêm nổi tiếng vì gắn liền với tên tuổi của một danh tướng tài ba, trung liệt.
Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ... Dân gian truyền câu đó đã bao đời. "Cha" là Ðức thánh Trần, còn "Mẹ" là mẫu Liễu - những "hằng số" trong tâm thức tín ngưỡng dân gian Việt.
Hội đền Lư Giang mỗi năm hai lần, tháng ba và tháng tám. Hội tháng tám là hội chính, được tổ chức trong ngày húy kỵ của Quốc công tiết chế Hưng đạo Ðại vương Trần Quốc Tuấn - 20 tháng tám (âm lịch) - người chỉ huy các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hiển hách của dân tộc trong thế kỷ XIII, người đã được dân gian coi là thánh.
Hội đền là một dịp để con cháu các đời sau tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc đã có ân, có đức hộ quốc an dân. Từ mấy ngày trước hội, dân các làng trong vùng Kẻ Mơ: Hoàng Mai, Tương Mai, Thanh Mai, Mai Ðộng... đã sắm sanh lễ vật, trang trí đẹp đẽ mâm lễ của mình. Họ đi từng đoàn từ các ngả đường làng về dâng lễ tại đền.
Hiện nay, người quanh vùng Hoàng Mai, Mai Ðộng và cả những nơi xa đến dự hội đền Lừ còn để gặp gỡ nhau, để làm sống lại những nét đẹp phong tục truyền thống xưa của một làng Việt, dù làng cổ nay đã thành phường. Trong ngày hội đền, những nét văn hóa làng xã lại về sống giữa phố phường đông đúc.