Nhìn ra thế giới

Doi Suthep - núi thiêng của Chiang Mai (Thái Lan)

Cập nhật: 27/10/2008 15:10:00
Số lần đọc: 4018
Chiang Mai, từng là thủ đô của vương quốc cổ Lannathai, nằm ở vùng núi cao đông bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok 800km. Thành phố chạy dọc theo sông Ping, thuộc dòng sông mẹ Chao Phraya.

Chiang Mai có nhiều địa danh nổi tiếng, riêng về chùa có hàng chục ngôi chùa cổ…Đặc biệt Wat Phra That Doi Suthep, trên núi Doi Suthep là ngôi chùa cổ xây dựng từ năm 1300, gần như du khách nào tới Chiang Mai cũng đều đến thăm.

Từ trung tâm Chiang Mai, thẳng đại lộ Huai Kaeo, đi chừng vài chục kilômét là đến chân núi Doi Suthep. Xe cứ lên cao dần hướng về mây núi, trong cái lạnh se se của cuối thu, con đường dốc như xoáy tròn với những đường cua ngoặt khuỷu tay, cảm giác như lên Tam Đảo ở ta vậy, có chăng là đường dốc bằng phẳng hơn chút. Ngày thường mà khách đến rất đông. Giá vé 20 bath (=10.000 đồng) để thưởng ngoạn, tham quan Doi Suthep thật là quá rẻ.

Để lên núi, ở độ cao 1676m, nơi có chùa thiêng Wat Phra That Doi Suthep có hai cách: Với khách ưa chinh phục, mạo hiểm có thể thuê xe môtô đi lên, rồi sau đó bỏ xe trèo bộ 309 bậc thang đá; còn không đủ sức thì đi bằng cáp treo, mất 5 phút là lên tới nơi. Từ sân chùa nhìn xuống là hình ảnh hùng vĩ của Vương quốc cổ Lannathai xưa, tuyệt đẹp.

Chùa nổi tiếng linh thiêng vì tương truyền có di hài Đức Phật - mảnh xương vai, đặt trên lưng voi trắng mang đến Doi Suthep, được để trong am Chedi, đền Wat Suan Dok trong quần thể kiến trúc chùa. Trước lúc vào chùa, khách được thưởng thức màn hát múa dân gian của một nhóm trẻ em. Khi vào chùa, phải mặc lịch sự, để giày dép dưới những cây bồ đề. Ơ phía ngoài chùa có dãy chuông đồng nhỏ nằm bên tháp trung tâm - đền Wat Suan Dok, mỗi khi gió thổi, chuông ngân lên như một điệu nhạc. Hai con rồng lớn nằm dài theo bậc thang, đầu ngẩng cao, đưa bước chân du khách lên chùa.

Chùa gây ấn tượng thu hút khách là những pho tượng Phật, bên phải, ngay từ ngoài cửa vào những pho tượng uy nghi mang dấu ấn thời gian, ánh mắt nhìn tĩnh lặng, trầm tư như nhìn du khách mà cũng như nhìn xa xăm trong cõi nhân gian. Đi sâu vào trong, bạn như bị lạc lối bởi mê hồn…tượng. Tượng to, tượng nhỏ, tượng cao, tượng thấp, đẹp vô cùng. Đường nét tinh xảo, tư thế vững chãi, thần thái của những pho tượng như đứng im lặng từ bao đời nay làm khách phải chiêm bái thành kính.

Có những nét gần gũi giữa tượng chùa Thái và chùa Lào, từ hình dáng, phong thái, các nét trên gương mặt tượng lẫn trang phục... cũng như cách sắp xếp từng nhóm tượng với nhiều tư thế khác nhau, tượng trưng cho những ý niệm đạo Phật nguyên thuỷ Nam Tông. Có một cô gái áo đỏ múc nước ở ngay máng nước bên dưới tưới tắm lên tượng. Tôi chợt nghĩ đến lễ "mộc dục" của người Việt ta. Với Thái Lan đó là một hình thức cầu may. 

Ở các chùa Thái có tục khách đến chùa, có thể viết tên gia đình lên một tấm vải lớn bày ngoài sân để sau sư chùa làm lễ cầu an. Vào gian chính, nhà sư trụ trì chùa trong áo cà sa vàng nhạt ngồi đó với nụ cười thật hiền từ. Một đôi nam nữ nhẹ bước vào quỳ xuống chào nhà sư để ông vung cây phất trần phẩy nước cầu an lên đầu họ.

Lên bằng cáp treo, nhưng xuống là đi thẳng lối sau chùa. Tất cả có 309 bậc xuống. Dọc hai bên đường những khay hàng bán đồ lưu niệm hình ảnh chùa và thắng cảnh Doi Suthep bày la liệt. Nhưng chớ nên mua ở đây mà nên mua ngay trong gian hàng của chùa do chính các nhà sư quản lý. Không nên mặc cả trong chùa, một miếng kim loại hình trái tim khắc hình tượng Phật chừng 200-300 bath. Mua xong, bạn sẽ được nhà sư cầm món đồ nắm chặt, mắt nhắm đọc bài kinh niệm chú trước khi mở mắt ra trao nó cho bạn, nắm chặt tay bạn đọc mấy lời chúc phúc bằng tiếng Anh: Good health, good family…" - chúc sức khoẻ, chúc gia đình hạnh phúc.

Xuống đến bậc cuối cùng nhìn sang phải lại thấy một pho tượng Phật sừng sững ngoài trời gối lên nền cây xanh và trời xanh, tự nhiên cảm giác thư thái và bình an.

Nguồn: Báo Lao Động

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT