Non nước Việt Nam

Hải Phòng: Thi hát đúm, đến hẹn lại về

Cập nhật: 25/02/2015 09:44:16
Số lần đọc: 1582
Huyện Thủy Nguyên, vùng đất của nhiều lễ hội truyền thống như Hội đền Trần Quốc Bảo (thị trấn Minh Đức),  hội chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ), đặc biệt là hội thi hát đúm đầu Xuân được tổ chức vào mồng 5 tháng Giêng của người dân Tổng Phục (gồm các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng). Đây là lễ hội có truyền thống từ xa xưa, được duy trì đến tận ngày nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở  lớp thanh, thiếu niên.

 

Ông Phùng Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Thủy Nguyên cho biết, năm 2015 là năm thứ 3 huyện Thủy Nguyên tổ chức Hội thi hát đúm. Vòng sơ khảo tổ chức tại các xã từ mồng 2 Tết đến mồng 5 tại các xã có truyền thống hát đúm. Qua đó, câu lạc bộ hát Đúm các xã tuyển chọn và xây dựng lực lượng từ 10 diễn viên trở lên để tham gia hội thi. Chung kết hội thi được tổ chức vào đúng 13 giờ mồng 5 tháng Giêng Ất Mùi với sự tham gia của các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Ngũ Lão và Tam Hưng. Các tiết mục dự thi bảo đảm được dàn dựng theo nguyên bản, ưu tiên các tiết mục có kết hợp với nhiều hoạt động phụ trợ để minh họa như cờ tướng, cờ người, đấu vật, đánh đu, giới thiệu truyền thống địa phương, minh họa cho các hoạt động sinh hoạt, lao động hàng ngày của nhân dân… theo các lối hát cổ như: hát chào, hát mời, hát họa, hát đố, hát thách cưới, hát ra về, với sự tham gia của các hạt nhân văn nghệ, các nghệ nhân.

 

Theo ông Phạm Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Phục Lễ, đơn vị đăng cai Hội thi hát đúm năm nay, hát đúm thu hút sự chú ý và niềm đam mê của đông đảo nhân dân địa phương và các xã lân cận. Từ nhiều ngày trước Tết, CLB hát đúm của xã cùng nhau luyện tập 3 buổi/ tuần với nhiều làn điệu truyền thống và làn điệu mới. Những năm trước, xã tổ chức hội thi tại sân chùa Phục Lễ. Năm nay, xã chuyển địa điểm sang  sân UBND xã để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân về dự hội. Hội thi năm nay có sự tham dự của nhiều thế hệ, người cao tuổi, thanh niên và các cháu thiếu nhi.

 

Bà Phạm Thị Đáng, nghệ nhân hát đúm huyện Thủy Nguyên kể, hát đúm có từ lâu đời, ngay từ khi tổ tiên họ Đinh xuống vùng bãi bồi ven sông Bạch Đằng để quai đê lấn biển. Tương truyền rằng khi người dân đổ về đây khai hoang lập ấp, trên bến dưới thuyền rất đông. Ban ngày họ lao động vất vả cực nhọc, tối đến trai gái túm năm tụm ba thành từng nhóm để hò hát giao duyên cho lạc quan tinh thần, thế là thành lệ. Trước đây, thường là sau các vụ gặt hái xong, vào những đêm trăng thanh gió mát, trai gái lại rủ nhau đi hát đúm. Nhưng sau này, chỉ có dịp Tết mới tổ chức. Vì trai làng phải đi làm ăn xa, Tết mới về. Còn gái làng thì làm lụng vất vả quanh năm, để giữ gìn sắc đẹp họ phải bịt khăn, nên ngày thường trai gái gặp nhau khó nhận biết, chỉ có ngày hội đi hát người con gái mới mở khăn để bạn hát nhìn thấy dung nhan. Do vậy, tập quán hát đúm cũng là tục lệ mở khăn của các cô gái.

 

Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm ngày xuân cũng còn là ngày hội mở mặt. Tục “Mở mặt” tiến hành từ mồng 2 Tết cho đến khoảng mồng 10 tháng Giêng bằng nghi thức giản dị, nhưng trang trọng để khẳng định cô gái được phép tìm người yêu. Nội dung chủ yếu của  tục “Mở mặt” là trai gái hát đúm (như hát đối đáp) để đôi bên dò tìm ý trung nhân. Các cô gái sau khi cởi bỏ khăn, cô nào cũng trắng, cũng xinh đẹp “chim sa cá lặn” khiến các chàng trai nhiều vùng quê kéo đến, hát thì ít, mà xem mặt các cô là chính. Nhưng nếu muốn lọt “mắt xanh” người đẹp, các chàng phải học cách hát, phải hát giỏi may chăng mới được các cô để ý. Hát đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng kỷ vật cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến mồng 10 tháng Giêng. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết duyên nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ. Lời hát đúm được xuất ngôn tự nhiên, ứng đối linh hoạt, tùy tình huống mà xử lý. Cũng là những lời xa xôi bóng gió, những gửi gắm nỗi niềm. Những bài hát ví đối đáp rất đa dạng và phong phú. Hai bên nam nữ đố nhau họa về các điển tích như “Từ Thức lên tiên”, “Phan Trần”, “Tống Trân Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”, nhiều nhất vẫn là đố Kiều. Ngoài điển tích còn là những bài họa về hoa, lá, cá, chim… và những hiện tượng, sự vật gần gũi với cuộc sống thường ngày.

 

Hội thi hát Đúm huyện Thủy Nguyên là hoạt động văn hóa đặc sắc, góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa cổ truyền của địa phương, tạo thêm không gian và điểm nhấn văn hóa thu hút khách du lịch trong dịp Tết đến xuân về.
Nguồn: www.dulichhaiphong.gov.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT