Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đi lên từ chính sách phát triển văn hóa
Múa Sanh Ngô - một nét văn hóa đặc sắc được người dân xã Hoằng Thắng giữ gìn, phát huy.
Hoằng Hóa là một trong số ít các địa phương trong tỉnh nhận được nhiều chính sách hỗ trợ về xây dựng phát triển văn hóa thông việc đầu tư cơ sở vật chất, trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, khôi phục và duy trì văn hóa phi vật thể,… Từ nhiều năm trước, huyện đã có các chính sách hỗ trợ theo từng giai đoạn cụ thể, như: hỗ trợ xây dựng một nhà văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới; trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; hỗ trợ hoạt động làng, phố văn hóa 1 triệu đồng/làng/năm. Trung bình mỗi năm huyện đã chi gần 1 tỷ đồng cho việc hỗ trợ phát triển văn hóa.
Mặc dù kinh tế còn gặp nhiều khó khăn song trong những năm qua, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn huyện Hoằng Hoá đã được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hoằng Hoá đã chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa bảo đảm yêu cầu, có hiệu quả thực thi cao. Tính đến nay, huyện Hoằng Hoá đã có gần 300 nhà văn hoá được đưa vào sử dụng; 99,1% làng, phố đã khai trương xây dựng làng, phố văn hoá. Năm 2014, tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hoá chiếm trên 80%. Trong xây dựng gia đình văn hoá, huyện Hoằng Hoá đã chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn huyện.
Theo đó, sau xây dựng điểm tại Hoằng Thắng, hiện nay, toàn huyện có 26 xã triển khai mô hình này với 31 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, toàn huyện đã có 8 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, thị trấn văn minh đô thị, gồm: Hoằng Trung, Hoằng Hợp, Hoằng Thịnh, Hoằng Ngọc, Hoằng Đức, Hoằng Đạt, Hoằng Phúc và thị trấn Bút Sơn. Trong đó, đã có 2 xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, gồm: Hoằng Hợp và Hoằng Đạt.
Trong xây dựng làng văn hóa, huyện Hoằng Hóa quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, khôi phục được các trò chơi, trò diễn, lễ hội dân gian, tạo nên sự đa dạng và phong phú bản sắc văn hóa truyền thống. Tính đến nay, Hoằng Hóa đã khôi phục được 24 lễ hội truyền thống, đề nghị công nhận 91 di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 17 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 74 di tích cấp tỉnh. Trên khắp xóm, thôn, làng, xã, người dân tin theo Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Đạt được thành công này, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc. Các cơ quan, chính quyền huyện Hoằng Hóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm hỗ trợ nguồn vốn phát triển cuộc vận động. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương đến nhân dân, từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương còn tích cực vận động nguồn kinh phí xã hội hóa từ nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng cơ sở vật chất, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khôi phục và duy trì các vốn văn hóa phi vật thể. Qua đó, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân tại mỗi địa phương đã không ngừng được nâng lên, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương.
Với sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo địa phương, hy vọng rằng trong những tới, Hoằng Hóa sẽ tiếp tục phát huy được những điểm mạnh của mình và luôn là lá cờ đầu trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội./.