Hoạt động của ngành

Hà Giang: Kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “Con đường hạnh phúc”

Cập nhật: 23/03/2015 10:05:10
Số lần đọc: 1289
(TITC) – Tối ngày 20/3/2015, tại Quảng trường lịch sử 26/3 (Hà Giang), Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày hoàn thành “Con đường hạnh phúc” (1965 - 2015).


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng thanh niên xung phong 8 tỉnh tham gia mở Con đường hạnh phúc

Buổi lễ có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tuớng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Phan Diễn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương; thân nhân các liệt sỹ thanh niên xung phong và gần 400 cựu thanh niên xung phong của 8 tỉnh tham gia mở con đường hạnh phúc; cùng đông đảo nhân dân các dân tộc ở Hà Giang và các phóng viên thông tấn báo chí.

Buổi lễ được tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp to lớn của các cựu thanh niên xung phong 8 tỉnh nói riêng và những người đã khai thông tuyến đường nói chung.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, Hà Giang là tỉnh biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Năm 1959, con đường hạnh phúc bắt đầu được khởi công với sự tham gia của các thanh niên xung phong của 8 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định và Hải Dương. Sau 6 năm thi công, năm 1965 con đường hạnh phúc đã được hoàn thành bằng công sức và xương máu của các thanh niên xung phong, nối thành phố Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc. Con đường đã đem lại hạnh phúc, cuộc sống ấm no thật sự cho đồng bào dân tộc thiểu số ngày hôm nay.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hà Giang còn là một tỉnh nghèo, lạc hậu, tình hình an ninh chính trị phức tạp. Việc xây dựng con đường hạnh phúc đã mang lại hạnh phúc, ấm no cho hàng vạn đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành “Con đường hạnh phúc” là một trong những hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Năm tháng đã qua đi, nhưng Con đường hạnh phúc mãi mãi là niềm tự hào, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần lao động kiên cường, ý chí sắt đá, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang và vùng Tây Bắc. Những bài học về sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc, giữa miền núi với miền xuôi, sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình xây dựng công trình này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cùng văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những mặt thuận lợi, Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển, nhất là trong bối cảnh đặt Hà Giang trong mối liên kết giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng thanh niên xung phong 8 tỉnh tham gia mở tuyến đường này.

“Con đường hạnh phúc” dài 185 km, nối Hà Giang đến huyện Mèo Vạc, qua các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Qua 6 năm thi công, con đường hạnh phúc mới được hoàn thành. Trong suốt quá trình thi công, 14 thanh niên xung phong đã hi sinh anh dũng để có được tuyến đường lịch sử này.

Con đường hạnh phúc ngày nay đã được mở rộng, khang trang hơn, giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi lại thuận lợi, có điều kiện giao thương buôn bán, đời sống dần được cải thiện.


Tin, ảnh: Thu Thủy
Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục