Hoạt động của ngành

Tìm cách nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội

Cập nhật: 06/04/2015 16:02:36
Số lần đọc: 1150
(TITC) – Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội 2015), ngày 4/4/2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS Vũ Tuấn Cảnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL; ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội và hơn 100 đại biểu là đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch, Sở VHTTDL Hà Nội, các đơn vị Văn hóa - nghệ thuật – biểu diễn, Bảo tàng, Khu di sản, Trường đào tạo du lịch và các hãng lữ hành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích, chiếm khoảng 40% di tích của cả nước, gần 1.000 di tích được cấp bằng quốc gia, 3 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, khoảng 3.000 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó Hà Nội còn có nhiều di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, người dân thân thiện, ẩm thực phong phú và hấp dẫn... Hà Nội đã được nhiều tổ chức, website du lịch uy tín đưa vào danh sách các điểm đến ưa thích của du khách, như vừa qua trang Tripadvisor bình chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn thứ 4 trên thế giới trong năm 2015. Thời gian qua, lượng khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội luôn đạt mức tăng trưởng tốt, khoảng 10% hàng năm, cụ thể năm 2005 Hà Nội đón được 1.109.000 lượt khách quốc tế, và 4.230.000 lượt khách nội địa, đến năm 2014 đón được 3.000.000 lượt khách quốc tế và 15.500.000 lượt khách nội địa. Tuy nhiên, du lịch Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức như: sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chủ yếu dựa vào những cái có sẵn; chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao; tài nguyên du lịch chưa được quản lý và khai thác một cách hiệu quả; nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao còn hạn chế; công tác xúc tiến quảng bá chưa chuyên nghiệp; vấn đề vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, tình trạng chèo kéo, ép giá du khách vẫn còn xảy ra ở một vài nơi... Vì vậy để tăng cường thu hút du khách đến thủ đô, thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch Hà Nội, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị quyết phát triển du lịch của thành phố thì cần thiết phải tìm các giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội – yếu tố trung tâm, cốt lõi của điểm đến du lịch nhằm đem đến sự thỏa mãn và hài lòng cho du khách.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe 9 tham luận của các diễn giả là những người đã và đang từng làm công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong lĩnh vực du lịch. Hầu hết các tham luận đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí và những lợi thế to lớn của du lịch Thủ đô, đặc biệt là du lịch văn hóa nhưng chưa được phát huy và khai thác một cách hiệu quả.

Theo TS. Đỗ Thanh Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thì Hà Nội cần tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là sân bay quốc tế, khu vui chơi giải trí về đêm, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, giữ gìn cảnh quan môi trường, nhưng trên hết thì Hà Nội phải không ngừng đổi mới và sáng tạo sản phẩm du lịch để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Lưu thì trong tất cả các nguồn lực cần phải đầu tư cho phát triển du lịch thì nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định, vì vậy để du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 thì cần phải tháo gỡ nút thắt này.

Với góc độ quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú, theo ThS. Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, chất lượng sản phẩm, trong đó có chất lượng của các cơ sở lưu trú là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu để khẳng định năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu và thu hút khách du lịch tại mỗi điểm đến. Do đó bà Nguyễn Thanh Bình đề nghị ngành du lịch Hà Nội cần thường xuyên, liên tục kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn, chất lượng của các cơ sở lưu trú và tiến hành đào tạo, đào tạo lại nhân lực du lịch. Bên cạnh đó cần khuyến khích các cơ sở lưu trú tham gia cấp nhãn Du lịch Bông sen xanh, đồng thời xây dựng và áp dụng tiêu chí Nhãn xanh cho các dịch vụ du lịch khác như: nhà hàng, điểm mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, điểm tham quan du lịch nhằm góp phần thực hiện bảo vệ môi trường, phát triển du lịch theo hướng bền vững và khuyến khích hoạt động du lịch có trách nhiệm. 

Theo quan điểm của ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, với đóng góp của ngành du lịch vào GDP của thành phố Hà Nội hàng năm đạt hơn 10% thì đã khẳng định du lịch là ngành kinh tế rất quan trọng của Hà Nội. Do đó để du lịch Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng thì trước tiên cần nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch. Đồng thời, có thể nghiên cứu giải pháp trích từ nguồn thu trực tiếp từ khách du lịch quốc tế tại Hà Nội dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, cơ chế chi tiêu cho công tác xúc tiến quảng bá cũng cần được quan tâm tháo gỡ để các đơn vị làm xúc tiến được chủ động thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Marketing, Công ty TNHH Vinpearl Land – Tập đoàn VinGroup cho biết, trong thời gian tới Tập đoàn sẽ đầu tư tại Hà Nội thêm 4 điểm vui chơi giải trí có tầm cỡ, nhằm tăng sức cạnh tranh cho du lịch Hà Nội và tạo thêm những sản phẩm mới nhằm thu hút và phục vụ du khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội.

Kết luận hội thảo, PGS.TS Vũ Tuấn Cảnh đề nghị Sở VHTTDL Hà Nội tiếp thu những ý kiến, giải pháp đóng góp của các diễn giả nêu ra tại hội thảo nhằm nâng cao sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch Hà Nội. Đồng thời tập hợp và kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu và ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

Bài và ảnh: Thế Phi

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục