Nha Trang - Vịnh biển đẹp của thế giới
Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới được thành lập vào tháng 3/1997 tại Berlin (Đức) với mục đích bảo tồn sinh thái biển, phát triển các loại hình du lịch ở các vùng vịnh một cách bền vững, lâu dài. Tại Hội nghị lần thứ hai của CLB được tổ chức ở Tadousac (Quebec, Canada) từ 01/6 đến 08/6/2003, vịnh Nha Trang đã được kết nạp làm thành viên thứ 29 của thế giới, thứ 2 của châu Á (sau vịnh Hạ Long) trong CLB.
Đầu thế kỷ trước, thành phố Nha Trang ngày nay còn là một bãi biển hoang sơ với một làng chài vài mươi nóc nhà tranh ở xóm Cồn. Chỉ có duy nhất một ngôi nhà xây 2 tầng lầu mầu trắng là nhà làm việc của Bác sĩ Alexandre Yersin (lầu ông Năm). Nếu đến đây bằng đường biển sẽ thấy ngôi nhà trắng trước tiên, Nha Trang chính là "nhà trắng" được gọi chệch đi. Đó là cách kiến giải về xuất xứ tên gọi Nha Trang của những người ngưỡng mộ A. Yersin, một công dân đặc biệt của thành phố. Còn theo các nhà nghiên cứu xưa kia hai bên bờ sông Cái đổ ra cửa biển Cù Huân (Cửa Lớn) đầy lau lách rậm rạp, nên sông được gọi là sông Lau (tiếng Chăm là yjatran hay Ea Tran). Lâu dần nó được gọi chệch thành Nha Trang. Tên sông sau thành tên đất, rồi được dùng cho cả vịnh biển ôm ấp và làm đẹp cho vùng đất.
Được che chắn bởi 19 đảo lớn nhỏ, vịnh Nha Trang rộng chừng 500km2 khá kín gió, không có sóng lớn. Cửa sông Cái đổ ra giữa hai bãi biển hình trăng khuyết, cát mịn mát trải dài hàng 6, 7 cây số. Dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, màu xanh của những triền núi nhấp nhô trên bờ, của các hòn đảo hoà cùng mầu biển biếc, như tôn thêm vẻ quyến rũ của những dải cát vàng dạt dào sóng trắng. Trong vịnh Nha Trang có gần mười đảo yến, hằng năm việc khai thác yến sào mang về hàng triệu USD cho tỉnh Khánh Hòa. Dưới mặt vịnh Nha Trang lại có một thế giới kỳ thú khác, đó là thế giới của 350 loài san hô, 190 loài cá, các loài nhuyễn thể, giáp xác, cỏ biển... Tháng 12-2000, dự án Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang. Khu bảo tồn biển đầu tiên của nước ta đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến Nha Trang, nơi du khách không thể không ghé là Tháp Bà Ponagar ở phía bắc cửa sông Cái, một di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu, nơi thờ Thiên Y Ana (Mẹ Xứ Sở). Cách Tháp Bà chừng dăm trăm mét là Hòn Chồng, gồm 2 khóm đá lớn hình thù kỳ dị , Hòn Chồng là khóm nằm trên bờ, Hòn Vợ là khóm dưới biển. Truyền thuyết kể rằng xưa có vị khổng lồ qua đây ngoạn cảnh, gặp lúc các nàng tiên đang tắm. Mải ngắm, vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi làm cả mảng núi sụp đổ thành Hòn Chồng ngày nay. Trên một khối đá lớn ở đây còn in dấu một bàn tay khổng lồ, đủ cả năm ngón.
Đi về phía nam theo đường Trần Phú, du khách có thể thăm biệt thự Bảo Đại, Viện Hải dương học, nơi trưng bày hàng ngàn loài sinh vật biển còn sống hoặc ở dạng tiêu bản. Bến cảng Cầu Đá là nơi xuất phát cho những tuyến du lịch biển đảo: Hòn Mun, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Thủy cung Trí Nguyên... Mỗi nơi đều có những bãi tắm rất sạch, nước trong sóng êm, ai thích cảm giác mạnh có thể lặn biển ngắm san hô, kéo dù, cưỡi mô tô nước...
Ở Làng Chài (Hòn Miễu) có nhiều lồng bè cá mú, tôm hùm, mực… cho khách tự lựa chọn từng con, nhà hàng ở đây sẽ chế biến theo yêu cầu của họ. Một tua du lịch mới nhất trên vịnh Nha Trang được khai trương ngày 01/8/2003 là tua Đảo Yến - Hòn Nội. Theo tua này, sau chừng 90 phút du khách sẽ được tàu đưa từ cảng Cầu Đá ra đến Hòn Nội, lên Vọng hải đài trên đỉnh Du Ha ngắm cảnh, đi ngắm rạn san hô và sinh vật biển bằng tàu đáy kính. Đặc biệt du khách sẽ được xem phim giới thiệu về nghề khai thác yến sào và tham quan hang yến ở Hòn Sam, tận mắt thấy tổ yến...
Nha Trang như một cô gái vừa đẹp vừa có duyên, vừa nhìn đã thích, gặp rồi càng mến, càng quen càng thấy thêm những điều mới mẻ có sức thu hút lạ. Phải chăng vì vậy, A.Yersin đã gắn bó với Nha Trang hơn 50 năm, trước khi nhắm mắt ông dặn dò đồng sự “hãy giữ tôi ở lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”.