Non nước Việt Nam

Khám phá vẻ đẹp nguyên sơ của Vườn Quốc gia Cúc Phương

Cập nhật: 05/06/2015 09:28:39
Số lần đọc: 1563
Chớm hè, ở Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, “lễ hội” của cỏ cây hoa lá và muông thú bắt đầu. Những người yêu và muốn khám phá những vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên lại bị dẫn dụ về với Cúc Phương.

Với một quần thể lên tới 2.234 loài thực vật bậc cao, trong đó có hơn 430 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được; 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, hơn 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú, 336 loài chim..., hệ động thực vật ở VQG Cúc Phương thuộc loại phong phú và đa dạng bậc nhất trong các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Điều thú vị là, khi tiết trời ấm lên, nhất là vào mùa hè, có tới hơn 80% các loài thực vật ở đây “thức giấc”: nảy chồi, nở hoa, kết trái. Các loài động vật rừng cũng theo đó rời khỏi nơi trú ẩn ra ngoài kiếm ăn và thực hiện các hành vi sinh sản. Chị Đinh Thanh Nga, một nhân viên của VQG Cúc Phương cho biết, vì lẽ đó mà mùa hè được xem là mùa “lễ hội” của cỏ cây hoa lá và muông thú nơi đây... Chỉ cần bước chân vào cửa rừng chừng vài trăm mét, đã có thể nghe thấy nhiều tiếng kêu khác nhau của muông thú, côn trùng; đã có thể nhìn thấy những sắc màu rực rỡ của các loài kỳ hoa dị thảo. Nhiều nhất vẫn là phong lan, hoa chò, các loài hoa dây leo, hoa trẩu, hoa gạo, hoa ngải dại, hoa ráy rừng... Tại những khu vực tập trung nhiều cây trẩu, mặt đất xám ẩm được phủ bằng một lớp đệm hoa trắng muốt, ngát hương. Càng đi sâu vào rừng, mật độ cây cối càng ken dày, nhiều nơi không thấy ánh mặt trời, không gian ẩm ướt, nhiệt độ luôn ở mức trên dưới 20 độ C. Tại đây, có nhiều cá thể cổ thụ đã được công nhận là cây di sản, như cây chò xanh ngàn năm cao 45m, cây chò chỉ cao 70m; cây dây leo thân gỗ đường kính 0,5m chạy dài hàng cây số; cây đăng cổ thụ cao 45m... Với động vật, dễ bắt gặp nhất vẫn là các loài côn trùng có cánh, các loài bò sát, ốc, cua đá, ong, bướm... Bướm ở đây bay thành đàn và rất nhiều màu sắc. Đặc biệt, trong khuôn viên VQG Cúc Phương còn có hai nơi rất nên ghé qua. Trung tâm Bảo tồn rùa - nơi nuôi dưỡng 19 loài rùa nước ngọt, rùa cạn và Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng - nơi chăm sóc 150 cá thể của 15 loài và phân loài linh trưởng khác nhau. Nếu chịu khó nán lại hai nơi này trong chừng 25 - 30 phút, có thể quan sát được cảnh những cặp đôi rùa “hò hẹn” và “âu yếm” nhau hoặc có thể chứng kiến phần nào nếp sinh hoạt của những “gia đình” linh trưởng - trong đó có gia đình voọc chà vá chân xám đặc hữu của vùng rừng núi miền tây Quảng Nam.

Không chỉ có cỏ hoa, muông thú, VQG Cúc Phương còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Các hang động Sơn Cung, Phò Mã Giáng, hang Con Moong, hang Đắng (còn có tên khác là động Người Xưa)... hiện vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của người tiền sử. Một số ngôi mộ táng, xương người và xương động vật hóa thạch, một số công cụ lao động bằng đá... ở đây đã được các nhà khảo cổ học xác định có niên đại khoảng 7.500 năm. Cùng với đó, thấp thoáng sau những khu rừng già là các bản làng của cộng đồng người Mường. Đi thăm ruộng bậc thang, ngắm nhà sàn, xem dệt thổ cẩm, ăn cơm Mường... là những trải nghiệm thú vị khi ở lại với Cúc Phương.

Cúc Phương cách Hà Nội 120km về phía tây nam, cách thành phố Ninh Bình 45km về phía tây bắc, các thị xã Hòa Bình 120km về phía đông nam và cách thành phố Thanh Hóa 60km về phía tây bắc, VQG Cúc Phương là một điểm đến có thể tiếp cận khá dễ dàng từ nhiều hướng. Và, Cúc Phương đã và đang tạo nên sức hấp dẫn riêng, không phải chỉ với con số ấn tượng 22.200 ha rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn mà vì đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái và các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT