Để du lịch Đắk Lắk phát triển bền vững
Đắk Lắk là một tỉnh nằm trên cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng đối với vùng Tây nguyên, là vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời là tỉnh có nền kinh tế đa dạng, với tiềm năng to lớn về sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ du lịch. Từ những năm đầu thập niên 1990 đến nay, với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cùng với sự ổn định chính trị và xã hội, nền kinh tế Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong giai đoạn 1991 – 1995 đạt 9,54%/năm và giai đoạn 1996 đến 2000 đạt 13,64%/năm.
Nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2001 –2005 là 9% (GDP bình quân đầu người đạt 500 USD) và giai đoạn 2006 – 2010 là 9% (GDP bình quân đầu người năm 2010 khoảng 950 USD). Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển đổi nhanh theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp dịch vụ. Tỷ trong GDP của công nghiệp và xây dựng dự kiến tăng lên 15,5% vào năm 2010; tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch đạt 22,5% vào năm 2010; tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm xuống còn 60% vào năm 2010…Sự khởi sắc của nền kinh tế còn được thể hiện ở sự tăng lên nhanh chóng của các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, các công trình văn hoá phúc lợi phục vụ đời sống dân cư và các công trình kinh tế trọng điểm.
Về diện tích, Đắk Lắk có diện tích 1.306.200 hecta trải dài trên 13 huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột. Về dân cư, Đắk Lắk có số dân khoảng 1,667 triệu người, là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống nhất nước, với 44 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chiếm khoảng 30% số dân. Nguồn lao động ở Đắk Lắk khá dồi dào, số dân trong độ tuổi lao động chiếm 57,71% dân số toàn tỉnh. Đặc biệt, tại đây có đội ngũ nghệ nhân các ngành nghề truyền thống rất đông đảo. Về văn hoá, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan, môi trường, các làng nghề truyền thống nổi tiếng, đặc biệt là văn hoá của các dân tộc anh em được hình thành từ hàng nghìn năm nay mang đậm tính cộng đồng và bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, đặc sắc của vùng Tây Nguyên đã nổi tiếng từ lâu và thực sự thu hút hấp dẫn khách du lịch.
Về điều kiện tự nhiên, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều sông, suối, ao hồ, gềnh thác và đặc biệt là rừng nguyên sinh với đủ chủng loại thực vật và sinh vật quý hiếm, vì vậy phát triển du lịch bền vững là một trong những định hướng ưu tiên phát triển lâu dài của ngành du lịch Đắk Lắk.
Trong những năm qua, ngành du lịch Đắk Lắk đã có những bước đi vững chắc, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nhất là ngành dịch vụ - một ngành được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay và là phần mền của ngành du lịch.
Để phát triển ngành du lịch của tỉnh một cách bền vững, phấn đấu đến năm 2010 tỉnh sẽ thu hút được từ 500 đến 600 ngàn lượt khách, ngành du lịch Đắk Lắk đã xác định du lịch sinh thái là một thế mạnh của tỉnh mà nhiều tỉnh thành khác không thể có được. Tuy nhiên, làm sao để ngành du lịch phát triển một cách bền vững lại là một câu hỏi không dễ trả lời. Vì vậy tìm ra một hướng đi đúng cho ngành du lịch lúc này là hết sức qua trọng nhằm đưa ngành du lịch tỉnh nhà ngày càng đi lên, sánh vai cùng ngành du lịch của các tỉnh, thành khác trong cả nước, đặc biệt là sớm đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh trọng điểm du lịch của cả nước. Vậy muốn phát triển du lịch một cách bền vững thì cần chú ý đến các điểm sau:
Trước hết là về cảnh quan môi trường, phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường sinh thái, nếu can thiệp quá nhiều vào môi trường sinh thái sẽ không tránh khỏi việc làm vỡ hệ thống cấu trúc tự nhiên và môi trường sinh thái của các khu du lịch, gây ra sự xáo trộn và mất cân bằng của môi trường.
Thứ hai là về văn hoá, phát triển du lịch phải dự trên nguyên tắc bảo vệ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá của các dân tộc đang cùng nhau sinh sống trên địa bàn; cần tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại để bổ sung và làm phong phú thêm cho văn hoá địa phương và đưa vào các chương trình văn hoá phục vụ khách du lịch.
Thứ ba về an ninh quốc phòng, phát triển du lịch cần phải gắn chặt với việc bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nếu an ninh quốc phòng ngày càng được đảm bảo thì sẽ tạo môi trường thuận lợi cho du lịch phát triển.
Ngoài ra, muốn phát triển du lịch một cách bền vững thì cần phải dựa trên công đồng, phải gắn liền với việc khai thác các nguồn lực và tiềm năng về văn hoá nghệ thuật của cộng đồng, gắn liền trách nhiệm của cộng đồng với phát triển du lịch bền vững, điều này rất quan trọng đối với các khu du lịch sinh thái, nơi có nhiều đồng bào dân tộc bản địa sinh sống.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững phải bảo đảm tính hiệu quả cả về mặt kinh tế và văn hoá xã hội…
Dựa trên những quan điểm đó, ngành du lịch Đắk Lắk đã có những định hướng phát triển chủ yếu như sau:
Một là, phát huy các tiềm năng du lịch của tỉnh, tích cực đầu tư, cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh du lịch nhằm đa dạng hoá các nguồn đầu tư và khai thác triệt để mọi khả năng về vốn, kỹ thuật, tri thức, lao động và tài nguyên du lịch; đa dạng hoá các sản phẩm du lịch của địa phương tạo ra sự hấp dẫn đặc thù để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Hai là, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; tạo thêm công ăn, việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho xã hội và tích lũy ngày càng cao cho ngân sách địa phương.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn nhằm thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phân cấp các chủ thể trong việc quản lý, đầu tư kinh doanh tại các điểm du lịch, khu du lịch để phát huy tính năng động trong việc đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
Bốn là phát triển du lịch gắn với việc bảo đảm quốc phòng an ninh, môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc để góp phần phát triển du lịch và tạo bước phát triển mạnh mẽ và bền vững cho ngành du lịch Đắk Lắk; phấn đấu tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhằm mục đích góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề và xoá đói, giảm nghèo.
Cuối cùng là phát triển mạnh ngành du lịch và dịch vụ, có cơ sở vật chất, kỹ thuật tương xứng nhằm tạo dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, có tính cạnh tranh và hấp dẫn du khách, tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của khách du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, đưa Đắk Lắk sớm trở thành tỉnh trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Với quyết tâm xây dựng một ngành du lịch bền vững, tạo đà thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển dựa trên những tiềm năng và lợi thế to lớn, mang tính đặc thù riêng của mình, chắc chắn ngành du lịch Đắk Lắk sẽ sớm trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp xoá đói giảm nghèo và sớm đưa Đắk Lắk trở thành một tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.