Đến Thanh Hóa thăm suối cá thần
Qua chiếc cầu treo như hình con thoi uốn lượn, bên dưới là dòng nước trong vắt. Từ trên cầu, du khách có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những dãy núi đá cao vút nằm bên bờ sông với nhiều hình dáng đầy sức tưởng tượng của tự nhiên ban tặng, mỗi dãy núi có độ cao, hình hài khác nhau, với danh tính rất mực gần gũi, như núi Thằn Lằn, núi Con Cò… thật lạ kỳ. Qua sông, khoảng 4km nơi đó chính là suối cá thần.
Cụ Trương, nay đã 83 tuổi, người gốc bản xứ kể: “Đàn cá được sinh ra trong những hang động bí ẩn, cá thần ở đây là vật linh thiêng, do vậy không ai được bắt hoặc ăn thịt cá”. Nhưng cái kỳ lạ ở đây làm cho mọi người phải tò mò, chú ý, đó là chỉ với một dòng nước từ hốc đá ngầm chảy từ chân núi có tới hàng ngàn, hàng vạn chú cá nối đuôi bơi ra, bơi vào. Hơn nữa những chú cá thần không giống với cá bình thường, hình cá chép, môi đỏ rực, có khuyên tai to lộ rõ, thân cá màu đỏ hồng. Nếu như đến vào mùa nước cạn (thường vào mùa đông mặt nước chỉ chừng 20 – 40cm, cá lộ rõ phần bụng và phần trên của cá. Mỗi khi bơi, cá phát sáng nhiều màu lấp lánh ánh bạc trông thật vui mắt.
Bên cạnh là dãy núi còn được giữ khá nguyên vẹn của hệ thống rừng nguyên sinh với các động thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới. Còn đối với người dân thì vẫn còn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pông... là nét văn hoá sinh hoạt đặc sắc của đồng bào Mường.