Hành trang lữ khách

Hòn Khoai (Cà Mau): hoang sơ và kỳ thú

Cập nhật: 06/11/2008 08:11:46
Số lần đọc: 2512
Tàu cặp bến đưa khách ra Hòn Khoai. Hai bên sông Rạch Gốc, những xóm chài còn yên ngủ trong làn sương mờ ảo. Phương đông, nền trời ửng nhẹ màu cam sâm sẩm. Sắp bắt đầu một ngày mới

6h15, tàu ghé trạm kiểm soát biên phòng Rạch Gốc (Cà Mau). Thuyền trưởng kiêm chủ tàu CM 8163 TS trình giấy, làm thủ tục. Biên phòng đếm người và kiểm soát phao. Tàu rù rụ lui lại, rồi trực chỉ về phía cửa biển. Nắng đã lên. Biển mênh mông, sáng đẹp kỳ vĩ. Tàu xé nước phăm phăm hướng về Hòn Khoai. Phía đất liền chỉ còn thấy những dải rừng đước xanh đen, sừng sửng như bức trường thành chắn biển.

Đã thấy Hòn Khoai một cụm xanh lam phía trước. Hòn Khoai cách đất liền ở cửa Rạch Gốc chừng 25 km, ở bãi Khai Long cận mũi Cà Mau khoảng 14 km. Tàu đánh cá chở khác chạy với vận tốc 6 hải lý. “Hai tiếng đồng hồ sẽ đến Hòn Khoai”, có người trên tàu nói.

Nước biển dần đổi màu xanh lơ chứ không đùng đục như ở ven bờ. Hòn Đồi Mồi, Hòn Tượng, Hòn Sao hiện lên rõ dần… rồi đến Hòn Khoai . Đá núi hàng triệu năm bị sóng biển đánh mòn khuyết dưới chân, tạo thành những hình dáng kỳ vĩ, lạ lùng. Hòn Tượng trong giống như một con voi khổng lồ chìm nửa thân dưới biển.

Tàu ghé Bãi Nhỏ ở phía Tây nam đảo. Cây cối trên núi um tùm, sầm uất , mang dáng vẻ hoang sơ, thơ mộng… . Bãi Nhỏ cạn, nên tàu không cặp sát bến được. Khách phải xuống thuyền con để vào bờ cách đó chừng 40 m. Phía bên phải của bến, là một bãi đá trứng thật đẹp như có bàn tay ai sắp đặt. Bước lên bờ rợp bóng cây phong ba, phi lao.

Đồn biên phòng 700, dựa lưng sát vách núi, khách loáng thoáng nhìn thấy vài bóng áo xanh của những người lính giữ đảo. Hạt kiểm lâm Hòn Khoai cũng nằm cạnh đó. Có ba cái quán bán nước giải khát và hàng tạp hoá lặt vặt, phục vụ “dân” trên đảo . Thực ra, trên Hòn Khoai không có dân cư. Hải quân đóng ở Bãi Lớn, phía Đông đảo. Một tổ công tác của Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải , trông coi ngọn đèn biển ở vị trí 8,25,36 độ vĩ bắc - 104,50,06 độ kinh đông, trên đỉnh cao 317,5 m.

Một số bạn trẻ ở Xã đoàn Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), bắt đầu leo đường núi để đi lên ngọn hải đăng trên đỉnh Hòn Khoai. Con đường xuyên rừng khá hiểm trở với những dốc dựng ngược, gắt từ cỡ 45 độ đến trên dưới 70 độ, lổn ngổn đá trứng, đá tảng lớn nhỏ với đất thịt pha cát màu vàng cam. Đất, đá gốc thủy tra thạch trầm tích được nâng lên khỏi mặt biển ở thời kỳ tạo sơn, lộn xộn như xà bần! Ấy vậy mà cây cối xanh tốt, mạnh mẻ lạ thường.

Một cây mù u rừng chừng bảy, tám người dang tay ôm chưa hết. Cây mù u sần xù, u nần, cổ quái, chứng tỏ tuổi đời đã rất lâu niên. Xuyên dưới tán rừng thâm u, có rất nhiều bằng lăng (thau lau) cổ thụ. Sao, dầu, muỗng, ràng vàng (lim) rải rác khắp nơi dọc triền núi. Tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên những cây trâm rừng có những lùm trái chín mọng, đen sậm. Phảng phất hương ngọc lan toả bàng bạc giữa núi rừng.

Thỉnh thoảng, ngang qua những con lạch , suối nhỏ, nước trong veo soi rõ mặt người, thấy cả những đôi mắt đen, đẹp, liếng thoắng đội mũ tai bèo, vốc nước rửa mặt và vén lại mái tóc dài đen nhánh ngang lưng… Đường lên ngọn hải đăng quanh co, uốn lượn, dài chừng non 3 km, nhưng phải đi gần hai giờ mới tới .

Trưởng trạm đèn biển Hòn Khoai Nguyễn Duy Sản pha trà mời khách. Anh giới thiệu khái quát nhiệm vụ, lịch lên đèn của hải đăng Hòn Khoai.

 

Đèn biển Hòn Khoai nằm trong hệ thống hải đăng Cần Giờ - Côn Đảo - Phú Quốc, được người Pháp xây dựng năm 1939, đến nay đã có nâng cấp , sửa chửa với nhà cửa khang trang , trang thiết bị hiện đại. Hải đăng cao 15,7 m , mỗi cạnh 4 m, xây bằng đá hộc, bên trong có thang xoắn, đèn pha sáng tới 35 hải lý…

Trên đỉnh Hòn Khoai, cạnh ngọn hải đăng, có bia ghi sơ lược cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai của nhà giáo Phan Ngọc Hiển và các đồng chí của ông (13/12/1940). Mấy dãy nhà đá xây từ đời Pháp thuộc đứng chơ vơ, hoang phế, những chứng tích của thời gian. Chung quanh hải đăng có nhiều cây xoài, mít, thân rất to, trái sai oằn. Những luống cải, rau tốt xanh mơn mởn…

Trở xuống núi, những người thám hiểm hòn Khoai đi vòng qua phía đông, theo con đường nhựa thoai thoải, giữa những tán cây rừng “giao đu". Có vài khúc quanh gắt và dốc. Bãi Lớn hiện ra như một Nha Trang thu nhỏ. Biển trong xanh, xa xa sóng gợn lăn tăn, lấp lánh. Hòn Đồi Mồi, Hòn Sao xanh mơ, mượt mà. Tàu đánh cá nhấp nhô lướt sóng, gió rì rào thổi liu riu vào vịnh. Biển, rừng cây, đá núi, đan xen hài hoà với nhau, tươi đẹp, thơ mộng và hoang sơ. Có một cầu cảng đã thi công nhưng không hiểu vì sao còn dang dở.

Bãi Lớn cát trắng mịn, thoai thoải, hứa hẹn một khu du lịch, nghĩ dưỡng trong tương lai, tuyệt vời và tiện ích, bởi nó cách biển, nhưng không xa đất liền lắm, lại nằm ở một vị trí rất dể gây ấn tượng: phía chót mũi Cà Mau, nơi tận cùng của đất liền Tổ Quốc về phía Nam.



Diện tích Hòn Khoai chỉ có 561 ha , nhưng động thực vật rất phong phú. Cách đây vài năm, lúc trăn nuôi bị tuột giá, người ta đã đem thả vào rừng trên 1.000 con. Khỉ ở đây khá nhiều, gà rừng và chim cũng lắm. Ngành lâm nghiệp đã thống kê có trên 221 loài thực vật bậc cao sống ở Hòn Khoai, thuộc 78 họ… Nước ngọt trên Hòn Khoai có quanh năm. Vào mùa khô, dân ven biển Cà Mau và các tàu đánh cá thường ghé Hòn Khoai để lấy nước.

Ở Hòn Khoai hình như không thiếu gì, có thiếu chăng, là bóng dáng con người! Khách về đất liền. Đồn trưởng, đồn phó và các chiến sĩ đứng trên bến vẫy tay tiễn đến khi tàu khuất dạng. Tấm bảng nền xanh lá cây có chữ “ Đồn biên phòng 700 “ xa dần rồi mờ nhạt trong bóng chiều trên biển…

 

Nguồn: Báo Đất Việt

Cùng chuyên mục