Hoạt động của ngành

Quảng Nam: Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm”

Cập nhật: 02/07/2015 08:17:50
Số lần đọc: 1211
Ngày 29/6, tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm”. 

Tham gia Hội thảo có nhiều nhà khoa học đến từ Liên bang Nga, đại diện lãnh sự quán Liên bang Nga tại thành phố Đà Nẵng và đông đảo các nhà nghiên cứu. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề như: Nghiên cứu cấu trúc vật liệu xây dựng quần thể Mỹ Sơn và các giải pháp phục chế và bảo vệ, Công nghệ chế tạo gạch và vữa trong xây dựng các ngôi đền cổ đại của Nga thế kỷ X-XIII, Công nghệ tôi bề mặt gạch và khả năng bảo vệ quần thể Mỹ Sơn; Phân tích khoáng chất, giải pháp gia cố, gia cường, bảo quản, bảo dưỡng di tích; vật liệu phục chế, thay thế…

Điều đặc biệt là trong các tham luận của các nhà khoa học đến từ Liên bang Nga đã nêu ra nhiều vấn đề mới mẻ, gợi mở nhiều ý tưởng trong gìn giữ, bảo tồn các di tích Chăm trên địa bàn, nhất là đối với di tích Chăm Mỹ Sơn. Cụ thể, theo TS Aleksei Pakhnevich - Viện cổ sinh học Moskva, từ kết quả nghiên cứu đã đưa ra kết luận, vật liệu xât dựng đền tháp Mỹ Sơn có thể khác nhau về nguồn gốc, đặc tính của việc nung. Trong sản xuất gạch có trộn cát, mẫu thực vật. Từ các dữ liệu của phương pháp hiển vi điện tử và hiển vi quang học, quang phổ hồng ngoại và nhiễu xạ tia X đã cho thấy gạch xây tháp Mỹ Sơn có nhiệt độ nung khoảng từ 200-500 0C. TS Aleksei Pakhnevich - Viện cổ sinh học Moskva cũng nêu sự cần thiết bảo vệ các bề mặt gạch từ sự xâm nhập của các sinh vật sống bên trong và sự phá huỷ bên ngoài…

Được biết hiện nay tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với các ngành chức năng và các nhà khoa học tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu nhằm khám phá những bí ẩn cổ xưa, từ đó bảo tồn, phục dựng những công trình kiến trúc của nền văn hóa Chămpa, trả cho nó về nguyên giá trị. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, lập dự án để bảo tồn di tích Chămpa trên địa bàn; đồng thời tận dụng các nguồn vốn để từng bước phục dựng, tái tạo lại những ngọn tháp, công trình kiến trúc của người xưa theo đúng nguyên mẫu./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục