Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam”
Tham gia hội thảo có đại diện các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Thông tin Truyền thông; đại diện Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan, các tỉnh, thành miền Trung, các doanh nghiệp khai thác cảng biển ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, các công ty lữ hành Việt Nam khai thác vận chuyển du lịch quốc tế đường biển. Về phía các vị khách quốc tế có đại diện Hiệp hội Du thuyền châu Á (ACA) và 12 hãng du thuyền thành viên, Tổng cục Du lịch Singapore, Cục Du lịch Hồng Kông, các công ty lữ hành đường biển, các đơn vị vận hành cảng du thuyền và cảng vụ... Tại hội thảo, 19 tham luận trong nước và quốc tế tập trung chủ yếu vào 2 nội dung chính: “Những vấn đề chung về công nghiệp du thuyền” và “Thế mạnh và hướng phát triển du lịch tàu biển tại các địa phương”. Theo các đại biểu, du lịch tàu biển thế giới hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh kể cả về lượng khách và chất lượng phục vụ với 21 triệu lượt khách trong năm 2013 và dự báo sẽ tăng lên khoảng 25 triệu lượt vào năm 2015. Trong đó, châu Á là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển với nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại, lượng khách được dự báo là 3,7 triệu lượt vào năm 2017. Nằm ở vị trí thuận lợi, dễ kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới là Hồng Kông và Singapore, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tàu biển với hơn 3.200km đường bờ biển cùng nhiều bãi biển, vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới như Hạ Long, Lăng Cô, Nha Trang… Năm 1999, lần đầu tiên tàu 5 sao Super Star Leo của hãng Star Cruises (hãng tàu Malaysia lớn thứ 3 thế giới) có sức chứa 3.000 khách đã cập cảng Sài Gòn. Ngoài Star Cruises, nhiều hãng tàu biển nổi tiếng thế giới cũng đã cập cảng Việt Nam như: Hapag Lloyd Cruises, Phoenix Cruises, Saga Ahipping, Orion Expedition Cruises, Super Star Aquarius... Trong giai đoạn từ năm 1999-2013, Việt Nam đã đón gần 3 triệu lượt khách tàu biển. Tuy đã có những bước phát triển đáng kể song lượng khách du lịch tàu biển vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Ngành công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực. Hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân kết cấu hạ tầng các cảng biển của Việt Nam còn thiếu, chưa có nhà ga, bến tàu dành riêng cho khách du lịch; chất lượng dịch vụ tại các cảng biển chưa cao; sản phẩm du lịch biển còn ít thiếu các dịch vụ bổ trợ để thu hút khách lưu trú dài và chi tiêu nhiều hơn; thiếu tính liên kết giữa các địa phương có cảng biển dẫn đến hạn chế trong việc duy trì và mở tour tuyến du lịch… Kinh tế biển, trong đó có hoạt động du lịch biển đang được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện Bộ VHTTDL đang chỉ đạo Tổng cục Du lịch chuẩn bị một chương trình hành động, phát triển và xây dựng những cảng biển phục vụ du lịch, đặc biệt quan tâm đến hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao phục vụ du lịch tàu biển. Trong khuôn khổ hội thảo, Ban Tổ chức còn bố trí cho các đại biểu tham gia khảo sát thực tế các địa điểm được xem là tiềm năng, thế mạnh của Thừa Thiên - Huế trong phát triển công nghiệp du thuyền, du lịch tàu biển. Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp du thuyền Việt Nam” là cơ hội để quảng bá tiềm năng du lịch tàu biển Việt Nam, qua đó tăng cường hợp tác với các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như kết nối với các hãng tàu biển trong khu vực, trên thế giới nhằm tăng khả năng thu hút khách du lịch tàu biển, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể thiếu trong hành trình của các hãng tàu biển quốc tế. Phạm Phương