Trưng bày “Tượng gốm cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Những hiện vật này có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 năm đến đầu thế kỷ XX, được chia thành ba nhóm hiện vật: Nhóm tượng gốm hiện thực (những vật dụng hàng ngày được tạo hình theo hình thức tượng người, tượng động vật…); nhóm tượng gốm phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng (phần lớn là tượng Phật giáo và tượng các vị thần linh trong các tín ngưỡng dân gian) và nhóm tượng gốm trang trí kiến trúc (chủ yếu là tượng các linh vật như rồng, lân, nghê…).
Tượng mèo gốm hoa nâu thời Lý (thế kỷ XI-XIII), tượng voi đội bình gốm men rạn thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII), tượng Quan Âm Bồ Tát gốm men trắng thời Nguyễn (thế kỷ XIX)... là một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày lần này.
Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, tượng gốm là một trong các loại hình điêu khắc xuất hiện sớm nhất của văn minh nhân loại. Tượng gốm mang đặc trưng là nghệ thuật tạo hình trực quan theo không gian ba chiều nhằm phản ảnh hiện thực hoặc mang tính biểu tượng.
Không những thể hiện khát vọng hướng tới Chân-Thiện-Mỹ của con người, các tác phẩm tượng gốm còn phản ánh niềm tin tôn giáo ở hầu hết các nền văn hóa trên thế giới.
Ở Việt Nam, tượng gốm sớm nhất đã được tìm thấy trong Văn hóa Phùng Nguyên, thuộc sơ kỳ thời đại kim khí, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000-3.500 năm.
Tượng gốm cổ Việt Nam đa dạng về chất liệu (gốm xốp, đất nung, sành, gốm men), dòng men (men trắng, men rạn, men nâu, men lục, men vàng, men ngọc, hoa lam, hoa nâu...) và phong phú về hình thức thể hiện và chức năng sử dụng.
Chương trình trưng bày chuyên đề “Tượng gốm cổ Việt Nam” nhằm giúp khách tham quan có thêm hiểu biết về quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc tượng gốm cổ Việt Nam và những giá trị lịch sử - văn hóa ẩn chứa bên trong những hiện vật này./.