Ngày hội “Âm sắc Hương Bình” tôn vinh ca Huế
Chương trình quy tụ rất nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội trong làng ca Huế, cống hiến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, bao gồm các bài, bản, ca kịch Huế tiêu biểu. Những khúc ngâm, khúc ca vang vọng, sâu lắng được các nghệ sĩ thể hiện bằng giai điệu mượt mà, trữ tình, da diết, lôi cuốn người nghe. Đặc biệt, đêm hội tôn vinh 37 nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, sáng tác ca Huế đã có những đóng góp to lớn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Huế cũng như văn hóa Việt Nam. Màn thả đèn hoa đăng trên sông Hương kết thúc đêm hội đã để lại cho du khách và người xem nhiều ấn tượng, cảm xúc và cả sự tiếc nuối. Đây như là một lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với công lao của các bậc nghệ nhân tiền bối đã xây đắp và tạo dựng nên bản sắc nghệ thuật độc đáo của vùng đất cố đô. Ca Huế (bao gồm ca và đàn) là tinh hoa của dòng âm nhạc cổ truyền dân tộc, là cầu nối giữa dòng nhạc dân gian và nhã nhạc cung đình. Hệ thống bài bản của ca Huế gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc, điệu Nam và một hệ thống "hơi" diễn tả nhiều sắc thái tình cảm đặc trưng. Điệu Bắc gồm những bài ca mang âm điệu tươi vui, trang trọng; điệu Nam là những bài mang âm điệu buồn, nỉ non, ai oán. Bài bản ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, nghiêm ngặt, mang nhiều yếu tố bác học về cấu trúc, ca từ và phong cách biểu diễn. Đi liền với ca Huế là dàn nhạc với bộ ngũ tuyệt “tranh, tỳ, nhị, nguyệt, tam” cùng bầu, sáo và bộ gõ trống, sanh loan, sanh tiền. Kỹ thuật đàn và hát ca Huế đặc biệt tinh tế, mang đậm sắc thái địa phương, bắt nguồn từ giọng nói của người Huế nên rất gần gũi với hò Huế và lý Huế. Ngày nay, hoạt động ca Huế đang được các tầng lớp nhân dân cố đô bảo tồn và phát huy, tạo nên sự lan tỏa và kế thừa truyền thống, giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông. Phạm Phương