Hội An (Quảng Nam): Khôi phục văn hóa làng nghề truyền thống
Không chỉ có thu nhập cao từ việc mở cửa đón khách, các làng nghề ở Hội An ngày càng khởi sắc, hồi sinh nhờ bán được sản phẩm. Người dân làng nghề đã biết học tiếng Anh để giao tiếp, biết “lên mạng” để bán hàng, tham gia các lớp học về kinh doanh, quản lý để mở rộng cơ sở sản xuất và kinh doanh. Nhiều nông dân đã trở thành ông chủ, giám đốc các doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Những chiếc lồng đèn nhỏ xinh. Những con tò he bằng gốm. Những sản phẩm, bức tranh mộc tinh xảo,... đã theo chân du khách tỏa về khắp nơi trên thế giới. Hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề cũng đã xuất khẩu được khá nhiều sang thị trường châu Âu, châu Mỹ,... Toàn thành phố hiện có hơn 200 lao động làm nghề mộc, điêu khắc, chạm trổ; và các hoạt động kinh doanh du lịch gắn kết các làng nghề đã tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục lại các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề đã bị mai một từ hàng trăm năm qua. Đây cũng là cách giúp lớp trẻ hiểu thêm về lịch sử làng nghề và giữ chân thanh niên ở lại lao động đóng góp xây dựng làng nghề.